Bảo tàng Làng Chài Xưa là bảo tàng nước mắm đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, tọa lạc tại 360 Nguyễn Thông, Phú Hài, Phan Thiết, Bình Thuận. Bảo tàng có tổng diện tích 1.600m2 , được chia thành 14 không gian nhỏ với từng chủ đề riêng biệt
Trước khi bước vào hành trình tham quan, du khách được xem đoạn phim ngắn giới thiệu về lịch sử của làng chài, bắt đầu từ khi mới thành lập cho tới thời kỳ hiện đại ngày nay. Đây là cách tương tác quen thuộc giữa bảo tàng và du khách, thường thấy tại các điểm đến ở Nhật Bản, Hàn Quốc
Khách tham quan sẽ được quay ngược thời gian, trở về vùng đất Phan Thiết cách đây 300 năm. Mở đầu là không gian Chăm Pa xưa với bức tượng Kut độc đáo, được chuyển từ một đền thờ ở thế kỉ 15. Đây là một trong những biểu tượng rất linh thiêng của người Chăm. Theo tập tục xưa, những người chết như vua, quan sẽ được làm lễ nhập hồn vào tượng Kut, rồi mới đi qua thế giới bên kia
Một trong những hiện vật quan trọng nhất ở bảo tàng là bản gốc 2 tấm sắc phong của vua triều Nguyễn ban cho làng biển Bình Thuận. Tấm sắc phong đầu tiên được vua Đồng Khánh ban cho những người dân ở Đàng Ngoài đã vào khai hoang, lập ấp tại làng chài Hòa An, Phan Thiết. Tấm sắc phong còn lại do vua Khải Định ban cho thần Ông Nam Hải (cá voi) vì có công cứu giúp nhiều ngư dân chài thoát nạn
Sách Đại Nam Nhất thống chí cho biết, nghề làm nước mắm của Bình Thuận hình thành từ cuối đời chúa Nguyễn, với khoảng 50 người ở phường Đông Quang. Tính đến nay nước mắm Phan Thiết đã có ít nhất 285 năm tồn tại
Thông qua những bức ảnh đen trắng quý hiếm, khách tham quan có thể mường tượng rõ nét hơn cuộc sống chài lưới và không khí nhộn nhịp của vùng biển này
Từ xưa cư dân làng chài Bình Thuận sản xuất muối bằng cách phơi nước biển. Muối biển ở đây có chất lượng rất tốt, phù hợp để làm nước mắm. Nhiều vùng sản xuất nước mắm trong cả nước phải đến Bình Thuận để mua muối này về làm nguyên liệu
Bảo tàng cũng lưu giữ rất nhiều hiện vật về cuộc sống làng chài. Chính người Chăm đã học những kỹ nghệ làm gốm, ướp cá du nhập từ La Mã. Đến khi người Kinh di cư vào, đã tiếp nối và thương mại hóa bằng cách cho nước mắm vào tĩn gốm và chở bằng ghe bầu đi bán khắp Việt Nam
Những đồi cát đỏ đặc trưng của Bình Thuận cũng được tái hiện tại bảo tàng. Đây là một trong những khu vực khô hạn, ít mưa nhất cả nước; diện tích đất cát và cồn cát ven biển chiếm hơn 18%
Bảo tàng có mô hình phục dựng đình Vạn Thủy Tú được dựng vào năm 1762, nơi thờ bộ xương cá voi (dân chài thường tôn thờ gọi là cá Ông) lớn nhất Việt Nam. Đây cũng là một trong những di tích cổ có số lượng lớn sắc phong của các vị vua triều Nguyễn ban tặng, bởi trong thời chiến tranh phong kiến, các tướng lĩnh nhà Nguyễn đã nhiều lần được cá voi cứu nạn trên biển
Một số bức trang mô tả nghề làm nước mắm ở Phan Thiết, do các họa sĩ của Trường Vẽ Gia Định thực hiện năm 1935
Muốn chở được nước mắm đi khắp Việt Nam, người dân làm ra một cái tĩn bằng đất sét trên có nắp đậy, rồi hàn lại bằng một loại keo làm từ vôi trộn nước dây tơ hồng và mật đường. Mỗi tĩn chứa khoảng hơn 3 lít nước mắm, bên ngoài buộc dây lá để xách, khiêng
Một số mẫu mã, nhãn hiệu nước mắm xưa. Đến đầu thế kỷ 19, nước mắm Phan Thiết có sản lượng lớn nhất cả nước, khoảng 10 triệu lít/năm
Toàn bộ nước mắm truyền thống ngày xưa đều ủ trong thùng gỗ, sau đó kéo rút cho vào trong tĩn gốm. Muốn xây cất một lò tĩn tốn số tiền rất lớn, khoảng 300.000 đồng tại thời điểm đó (lúc ấy 1USD đổi 73 đồng, một lượng vàng giá 5.300 đồng) và cần đến khoảng 100 nhân công
Tại bảo tàng, du khách được thử nước mắm với mùi vị không giống bất cứ nơi nào trên cả nước. Xưa kia, người dân miền biển thường uống một chút nước mắm để làm ấm cơ thể khi lao động trên biển
Không gian cuối cùng là nơi bày bán các món đồ lưu niệm, như bát, cốc làm từ gáo dừa. Dĩ nhiên không thể thiếu các loại mắm thượng hạng, đặc biệt nhất là loại mắm rin nguyên chất được chế biến với công thức từ hàng trăm năm trước
Theo VOV.VN