Nội dung chính

    Chùa Bửu Long

    Chùa Bửu Long là ngôi chùa thờ xá lợi Đức Phật và Chư Thánh Tăng, rộng 2 nghìn mét vuông, cao 70 mét. Kiến trúc ngôi chùa Bửu Long vừa hoành tráng, hiện đại vừa biểu hiện nét cổ kính đặc trưng của các ngôi chùa ở vùng Đông Nam Á.

    Bảo tháp chùa Bửu Long có quy mô lớn nhất Việt Nam, cao ba tầng với chiều cao 56 mét và bốn tháp xung quanh với tên gọi: tháp Đản Sinh, tháp Thành Đạo, tháp Pháp Luận, tháp Niết Bàn. Tháp có sức chứa trên 2 nghìn người cùng vào tham quan chiêm bái xá lợi Phật.

    Địa chỉ: 81 đường Nguyễn Xiển, phường Long Bình, quận 9, TP. HCM.

    Chùa Giác Lâm

    Kiến trúc chùa Giác Lâm được xem là ngôi chùa tiêu biểu cho lối kiến trúc của các chùa ở Nam Bộ. Mặt bằng tổng thể theo kiểu chữ Tam, gồm 98 cột chống đỡ. Ngôi chùa này chứa đựng nhiều tư liệu quý báu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc. Chùa sử dụng gần 7.500 chiếc đĩa cẩn dọc theo hai mặt tường của Tây đường, điện Phật… và được trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập là ngôi chùa có số lượng đĩa kiểu trang trí nhiều nhất Việt Nam.
    Địa chỉ: 118 Lạc Long Quân, phường 10, quận Tân Bình, TP. HCM.

    Chùa Vĩnh Nghiêm

    Đây là một trong những ngôi chùa lớn và nổi tiếng ở Sài Gòn, bởi nó có tháp đá cao và công phu nhất Việt Nam. Con đường phía trước chùa từng là nơi ghi dấu trận chiến cuối cùng của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi năm 1964. Tháp được xây dựng với nghệ thuật trổ đá dày đặc, công phu với hoa văn, họa tiết điêu khắc phủ kín… tất cả đều theo phong cách văn hóa Lý – Trần.

    Địa chỉ: 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3, TP. HCM.

    Chùa Xá Lợi

    Chùa Xá Lợi là ngôi chùa được nhiều người biết đến với lối kiến trúc và cảnh quan tuyệt đẹp. Ở tầng cao nhất của ngôi chùa có treo một đại hồng chuông nặng 2 tấn. Chùa được xây dựng để thờ xá lợi Phật tổ nên được đặt tên là chùa Xá Lợi.

    Địa chỉ: 89 Bà Huyện Thanh Quan, phường 7, quận 3, TP. HCM.

    Chùa Ngọc Hoàng

    Chùa Ngọc Hoàng là một ngôi chùa cổ, làm theo kiểu đền chùa Trung Hoa với mô típ trang trí rực rỡ. Chùa xây gạch, mái lợp ngói âm dương, trang trí bờ nóc, góc mái bằng nhiều tượng gốm màu. Hàng ngày khách trong và ngoài nước đến chiêm bái chùa rất đông. Chùa Ngọc Hoàng được công nhận là một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
    Địa chỉ: 73 đường Mai Thị Lựu, quận 1, TP. HCM.

    Chùa Bà

    Miếu bà Thiên Hậu tọa lạc tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, do các ban người Việt gốc Hoa tạo lập để thờ vị nữ thần Thiê Hậu Thánh Mẫu. Lễ hội chính ở miếu Bà được long trọng tổ chức vào ngày 14 và ngày rằm tháng Giêng âm lịch hàng năm. Đông vui nhất vẫn là màn rước kiệu Bà vào ngày rằm. Kiệu Bà được rước đi xung quanh trung tâm thành phố Thủ Dầu Một cùng với đội múa lân, mọi người thì làm lễ cầu phúc, cầu lộc cho gia đình trước nhà mình nơi có đoàn rước kiệu Bà đi qua.

    Địa chỉ: số 4 đường Nguyễn Du, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

    Chùa Hoằng Pháp

    Chùa Hoằng Pháp nổi tiếng là nơi thu hút các tín đồ Phật giáo đến tham quan và tham gia các khóa tu Phật. Đặc biệt, có khóa tu mùa hè thu hút hàng nghìn học viên tham gia. Khóa tu mùa hè là môi trường tâm linh lành mạnh, giúp cân bằng giữa đời sống vật chất và tinh thần.

    Địa chỉ: xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP. HCM.

    Chùa Ông

    Miếu Quan Đế Nghĩa An hội quán tức chùa Ông tọa lạc tại 678 đường Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh.

    Miếu vốn là hội quán của bang Triều Châu, do người Triều Châu và người Hẹ ở Triều Châu sang Việt Nam sinh sống thành lập. Không rõ miếu được xây dựng năm nào, có lẽ muộn nhất là đầu thế kỷ XIX vì khoảng năm 1818, khi viết về chợ Sài Gòn xưa, Trịnh Hoài Đức đã nhắc đến hội quán Triều Châu: “Đầu phía Bắc đường lớn có miếu Quan Thánh và ba hội quán Phúc Châu, Quảng Đông và Triều Châu chia đứng hai bên tả hữu… Hễ gặp tiết đẹp đêm trăng, các ngày tam nguyên, sóc vọng thì treo đèn, đặt án, đua tranh kỳ xảo…”.
    Văn bia chạm trên vách miếu cho biết miếu đã được trùng tu vào các năm 1866, 1901, 1966. Lần trùng tu mới nhất là vào năm 1984.

    Nội thất miếu trang nghiêm với những cột gỗ cao treo câu đối, những bao lam cửa chạm hai mặt, bao lam khám thờ, khám thờ… chạm trổ tinh tế từ những điển tích Trung Hoa đến những sinh hoạt đời thường như: gánh nước, đốn củi…, những con vật trong tứ linh xen lẫn tôm, cua, cá, mực… Chính điện miếu, giữa có gian thờ Quan Thánh đế quân trang trí bao lam lưỡng long tranh châu. Tượng Quan Đế cao 300cm, mặc áo gấm xanh, ngồi trên ngai, đặt trong khám thờ chạm viền nhiều lớp tùng – hạc, mai – điểu, mẫu đơn – trĩ, Bát tiên giao chiến thủy quái… Đứng hầu hai bên trước bệ thờ là tượng Quan Bình và Châu Xương cao gần 200cm, đặt trong tủ kính.

    Hai bên tả hữu có gian thờ Thiên Hậu nguyên quân và Tài Bạch tinh quân (Thần Tài) bài trí giống nhau với bao lam phụng hoàng và khám thờ chạm cảnh vinh qui bái tổ, đánh cờ, chèo thuyền, giăng lưới, mục đồng cưỡi trâu, mai điểu, trúc điểu… Tượng Bà Thiên Hậu bằng gỗ cao 60cm, ngồi trên ghế chạm, theo hầu Bà có hai thị nữ và hai vị Thiên lý nhãn, Thuận phong nhĩ. Thần Tài được thể hiện bằng tượng gỗ, cao 60cm, cũng ngồi trên ghế chạm đầu rồng, hai bên có Chiêu Tài đồng tử đứng hầu.

    Hàng năm lễ cúng Quan Đế được tổ chức vào ngày 24 tháng 6 âm lịch, là lễ cúng quan trọng nhất ở miếu. Miếu Quan Đế – Nghĩa An hội quán có giá trị về nghệ thuật thư pháp, nghệ thuật chạm đá và nghệ thuật chạm gỗ nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Ngày 7/11/1993 Bộ Văn hóa đã có quyết định số 43-VH/QĐ công nhận miếu là di tích kiến trúc nghệ thuật.

    Địa chỉ: 678 đường Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5, TP. HCM.

    Rate this post