GIA LONG NGUYỄN ÁNH
Nguyễn Ánh hơn Nguyễn Huệ ở chỗ từng phượt ra tận nước ngoài. Hồi quân Thái Lan qua Việt Nam bị Nguyễn Huệ nghiền nát, Nguyễn Ánh phải tiếp tục bỏ chạy ra đảo Thổ Chu. Thời gian này cuộc sống của Nguyễn Ánh khốn khổ đến mức tướng Nguyễn Văn Thành của ông phải đi làm cướp để nuôi chủ và bị đánh suýt mất mạng. Sau đó Nguyễn Ánh đi qua Thái Lan ở 3 năm rồi về lại Sài Gòn.
Nguyễn Ánh trong thời gian phiêu bạt giang hồ, đối đầu với nhà Tây Sơn đã ít nhất 4 lần phải dùng thuyền chèo chạy trốn ra đảo Phú Quốc. Nghĩ đến mình thấy toát mồ hôi rồi. Hồi mình bay từ Sài Gòn ra Phú Quốc xa lắc, đằng này ổng tự chèo luôn mới gọi là dân chơi.
Lần đầu tiên là vào năm 1780, khi bị lùng bắt khắp nơi trong đất liền, Nguyễn Ánh đã chạy ra Phú Quốc và lưu lại trong thời gian ngắn để tiếp thêm lương thực.
Lần thứ hai là vào năm 1782, Nguyễn Ánh bị Tây Sơn đánh cho te tua xơ mướp lại phải giong buồm chạy ra đảo Phú Quốc. Lần trước bắt hụt Ánh, lần này quyết không để sổng, nhà Tây Sơn đã cho đại quân truy sát và đổ bộ lên Phú Quốc. Nguyễn Ánh khi ấy bị dồn vào đường cùng, đành cởi áo bào đổi cho một viên quan cận thần rồi xuống thuyền nhỏ chạy ra biển. Viên quan cận thần kia đã liều mình cứu chúa và bị đối phương chém đầu tại chỗ. Khi quân Tây Sơn phát hiện ra bị lừa thì Nguyễn Ánh đã tới được Côn Đảo.
Lần thứ ba là 1786, tiếp tục bị dồn vào cửa tử, Nguyễn Ánh lại phải chạy ra Phú Quốc, ông lo cho vợ con an toàn chu đáo, rồi sau đó dũng cảm tự mình trở lại miền nam đương đầu với Tây Sơn. Ý chí này quả thật hiếm người có được, mình cũng phải tấm tắc khen là giỏi.
Lần thứ tư là 1795, Nguyễn Ánh thống lĩnh hạm đội hàng mấy chục chiến thuyền ra đảo để tiêu diệt cướp biển giúp ngư dân Phú Quốc.
Và cuối cùng khi Nguyễn Huệ chết, Nguyễn Ánh đã đánh thẳng một mạch từ miền nam ra tận Bình Định, Huế và Hà Nội trên quãng đường hơn 2000 cây số. Việt Nam chính thức thống nhất sau 300 năm nội chiến và chia cắt.
Sau đây là comment của một số cư dân mạng thời đó:
“Vùng Gia Định trở nên phồn thịnh, sản xuất dồi dào quyến rũ được đám dân nghèo đói Bình Thuận, Phú Yên… bỏ xứ chạy vào làm tăng dân số, uy tín nội bộ cho Nguyễn Ánh.”
“Vua Thế tổ là ông vua có tài trí, rất khôn ngoan, trong 25 năm trời, chống nhau với Tây Sơn, trải bao nhiêu lần hoạn nạn, thế mà không bao giờ ngã lòng, cứ một niềm lo sợ khôi phục. Ngài lại có cái đức tính rất tốt của những kẻ lập nghiệp lớn, là cái đức tính biết chọn người mà dùng, khiến cho những kẻ hào kiệt ai cũng nức lòng mà theo giúp. Bởi vậy cho nên không những là ngài khôi phục được nghiệp cũ, mà lại thống nhất được sơn hà, và sửa sang được mọi việc, làm cho nước ta lúc bấy giờ thành một nước cường đại, từ xưa đến nay, chưa bao giờ từng thấy.”
“Sự tàn bạo của ông khi áp dụng các hình phạt thời Trung cổ, trả thù Tây Sơn khiến hậu thế nhiều khi có định kiến nặng nề về ông đến nỗi xóa nhòa hết công lao của ông đối với thống nhất đất nước.”
“Cách Nguyễn Vương khai khẩn đất Gia Định thật là khôn khéo, khiến cho đất Nam Việt trước là một chỗ đất bỏ hoang, không có người ở, mà sau thành ra một nơi rất đông người và rất trù phú trong nước Nam ta. Ấy cũng là một cái công lớn của ông Nguyễn Phúc Ánh vậy.”
QUANG TRUNG NGUYỄN HUỆ
Sau khi đọc hết cuộc đời Quang Trung, mình công nhận ông ấy là một “phượt thủ” rất cứng tay. Nhìn lại quãng đường Quang Trung đã tự đi trong thế kỷ chưa có xe máy, chưa có xe khách, chưa có máy bay thì mới thấy hết sự vĩ đại trong các cuộc phiêu lưu của ông.
1776, Nguyễn Huệ từ Bình Định xuống Phú Yên, rồi tiếp tục vào Sài Gòn để tiêu diệt chúa Nguyễn, sau đó rút về lại Bình Định. Tổng quãng đường cỡ 1500 cây số.
Nguyễn Huệ sau đó tiếp tục nam tiến lần 2, tới Sài Gòn rồi tiếp tục xuống Tiền Giang để đánh Thái Lan, thắng trận rồi ông quay về Bình Định. Tổng quãng đường cỡ 1500 cây số.
Về Bình Định rồi ông cùng với Nguyễn Hữu Chỉnh đem quân ra Hà Nội để tiêu diệt chúa Trịnh, cưới công chúa Ngọc Hân rồi ông về Huế, đi tiếp xuống Bình Định để đập nhau với anh Nguyễn Nhạc của mình. Tổng quãng đường cỡ 2100 cây số.
Nguyễn Hữu Chỉnh làm phản, Nguyễn Huệ cử Vũ Văn Nhậm ra dẹp. Sau đó tới Vũ Văn Nhậm làm phản luôn, Nguyễn Huệ tức lắm nhưng cũng phải đích thân ra Hà Nội lần 2 để dẹp. Tổng quãng đường cỡ 2100 cây số.
Tình hình miền nam rất gay go nên Nguyễn Huệ quay về lại Huế. Nhưng chưa kịp vào Sài Gòn để phang Nguyễn Ánh thì lại nghe Lê Chiêu Thống đã kêu quân Thanh vào đánh lén. Chửi thề một phát, vua Quang Trung chính thức lên ngôi hoàng đế, sau đó ông quay ngược ra Hà Nội tát vỡ mồm quân Thanh. Truy kích tới tận ải Chi Lăng tại Lạng Sơn. Tổng quãng đường hơn 2000 cây số.
Mặc dù đã đại thắng Mãn Thanh nhưng sau đó Quang Trung vẫn phải lo ổn định tình hình phía bắc do tàn dư của nhà Lê còn sót lại. Trong khi đó, Nguyễn Ánh kéo ra đánh ở phía nam, quân của Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ liên tiếp bại trận, chiến thuyền ở Thị Nại bị hỏa thiêu đùng đùng. Nguyễn Huệ nhịn đã quá đủ, ông quyết tâm giải quyết Nguyễn Ánh cho xong, lần này và cũng là lần cuối cùng. Từ Hà Nội ông trở về Huế, chuẩn bị kế hoạch nam tiến lớn chưa từng có. Nhưng do suy nghĩ quá độ, ông đột tử và qua đời, kế hoạch này mãi mãi không bao giờ thực hiện được. Tổng quãng đường 650 cây số.
Nếu mình không tính sai thì vua Quang Trung đã đi ít nhất hơn 10000 cây số với công nghệ lạc hậu thế kỷ 18, trong suốt quãng đời chinh chiến. Đấy gọi là phượt đẳng cấp thiên tử.
Còn sau đây là comment của một số cư dân mạng thời đó:
“Nguyễn Huệ là bực lão thủ hung tợn và giỏi cầm quân. Coi y ra Bắc vào Nam thật là xuất quỷ nhập thần. Không ai có thể dò biết. Y bắt Nguyễn Hữu Chỉnh như bắt trẻ con, giết Vũ Văn Nhậm như giết con lợn, không một người nào dám trông thẳng vào mặt. Nghe lệnh y, ai cũng mất cả hồn vía, sợ hơn cả sấm sét.”
“Tóc Huệ quăn, mặt sần sùi, có một con mắt nhỏ, nhưng mà cái tròng rất lạ, ban đêm ngồi không có đèn thì ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu. Chuyện tròng mắt có ánh sáng phát ra, ban đêm soi sáng cả chỗ ngồi là cảm tưởng của người nhìn khiếp sợ trước oai vũ của Thượng công.”
“Bắc Bình vương là người rất quyệt, hay dùng trí thuật lao lung người khác, trong lúc bàn luận, khi xuống lại nâng lên người ta không biết đâu mà dò.”
“Nguyễn Huệ là người huyền bí khó lường.”
“Nguyễn Văn Huệ là em Nhạc, tiếng nói như chuông, mắt sáng như điện, giảo kiệt, thiện chiến. Ai cũng phải sợ… Bốn lần đánh Gia Định, lúc ra trận đều đi trước, sĩ tốt hiệu lệnh nghiêm minh, thuộc hạ ai nấy dốc lòng vâng mệnh.”
“Bắc Bình vương Nguyễn Huệ là một tay anh hùng.”