Khamphadisan.com – Là một di tích lịch sử văn hóa có tuổi đời hơn trăm năm và được nhiều thế hệ giữ gìn trọn vẹn đến nay, và đã trở thành một phần tâm hồn và di sản của người dân Tây Đô. Đó là miếu thờ Quan Đế mà người dân vẫn thường quen gọi bằng tên thân thuộc Chùa Ông.
ảnh: vietnamtourism
Nằm ngay trung tâm Tp.Cần Thơ, nhìn ra Bến Ninh Kiều, chùa Ông – còn có tên gọi khác là Quảng Triệu Hội Quán – đây là ngôi chùa cổ hiếm hoi của Tp.Cần Thơ vẫn giữ được nguyên hiện trạng từ những lập chùa cho đến nay hơn 120 tuổi mang đậm dấu ấn văn hóa người Hoa.
ảnh: sưu tầm
Chùa Ông nằm nổi bật giữa dãy phố với kiến trúc, màu sắc rực rỡ mang đặc trưng của văn hóa người Hoa. Chùa được trang trí bằng những hình nhân, sành sứ tái hiện lại những điển tích, truyền thuyết Trung Hoa như: chuyện Tam Quốc Chí, Bát Tiên quá hải… trên bờ nóc và hai bên cổng tam quan. Những chiếc lồng đèn được treo hai bên cửa.
ảnh:nina.ocean
Hai cột đá chính hai bên của cổng tam quan được trang trí thêm đôi lân; mái ngói âm dương với các gờ bó ngói ống men xanh thẫm; bờ nóc được trang trí những hình ảnh lưỡng long chầu nguyệt, cá chép hóa rồng,… bằng gốm sứ đủ màu. Hai đầu đao còn có tượng người cầm mặt trăng mặt trời tượng trưng cho lối tư duy “nhị nguyên” của triết học phương Đông.
ảnh:jimmy_jimmy_acha_acha
Chùa Ông được nhóm cộng đồng người Hoa gốc tại Quảng Châu và Triệu Khánh (nay tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) di dân đến Cần Thơ cho khởi xây dựng từ năm 1894 – 1896 trên khu đất có diện tích hơn 500m² để làm nơi sinh hoạt gặp gỡ, tôn giáo, tín ngưỡng. Vì vậy, chùa còn có tên là Quảng Triệu Hội Quán. Chùa được xây theo kiến trúc hình chữ Quốc, gồm có 2 hạng mục chính là: Tiền điện và Chính điện.
ảnh:nghiem.duy.thai
Khu tiền điện là nơi thờ Mã Tiền Tướng Quân cùng ngựa xích thố (ở phía bên trái) và Phúc Đức Chính Thần (ở phía bên phải). Ngay giữa tiền điện còn có một bức bình phong được chạm trổ tinh xảo. Trên cửa ra vào có bảng đại tự “Quảng Triệu Hội Quán”. Chính điện chùa gồm 2 gian để thờ: Đổng Vĩnh Trạng Nguyên, Thiên Hậu Thánh Mẫu và Bồ Tát Quan Âm, Quan Thánh Đế Quân, Tài Bạch Tinh Quân. Khu vực giữa Tiền điện và Chính điện là sân Thiên tỉnh (Giếng trời) – là nơi đặt bàn hương án, 2 bộ binh khí (bát bửu), chậu kiểng và treo nhiều đèn lồng.
ảnh:katietrr
Vào hàng năm, chùa thường diễn ra 2 ngày lễ chính đó là: ngày vía Thiên Hậu Thánh Mẫu (ngày 23/3 âm lịch) và ngày vía Quan Thánh Đế Quân (ngày 24/6 âm lịch). Trong những ngày diễn ra lễ hội này có đông đảo người dân địa phương cũng như du khách tới chùa thành kính dâng hương, cầu phúc, bình an cho người thân và gia đình.
ảnh: nghiem.duy.thai
Ngoài những ngày vía chính này, còn có một lễ hội tiêu biểu và được mong đợi nhất trong năm của người dân nơi này đó là lễ đấu đèn (có nghĩa là đấu giá những chiếc đèn lồng 6 mặt) thường được tổ chức 10 năm một lần ngay tại chính điện với quan niệm người nào sở hữu được chiếc đèn lồng sẽ gặp may mắn và thành đạt trong cuộc sống. Mỗi mặt của đèn lồng đều có in hình phong cảnh kèm theo những câu chúc phúc bằng chữ Hán như: “Hiệp gia bình an”, “Sinh ý hưng long”, “Tài lai lộc tấn”… Sáu góc đèn được trạm trổ hình rồng và thếp vàng trong rất bắt mắt.
ảnh: sưu tầm
Toàn bộ số tiền đấu đèn sẽ được dùng cho những hoạt động từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong thành phố. Vào những dịp lễ Tết, tại chùa Ông còn hay diễn ra nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như múa lân – sư – rồng, thi hát dân ca, hát tuồng…
Chùa Ông cùng với những danh thắng khác như: chợ nổi Cái Răng, Bến Ninh Kiều, Nhà cổ Bình Thủy,… đã làm nên vẻ đẹp phong phú của mảnh đất Tây Đô. Vào ngày 61/06/1993 Chùa Ông đã được xếp hạng là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia.
Có thể bạn quan tâm:
- Kinh nghiệm du lịch Cần Thơ
- Những điểm đến nổi tiếng tại Cần Thơ
- Du lịch Cần Thơ mùa nước nổi
- Chợ nổi Cái Răng nét độc đáo của vùng sông nước
binhqb94