Những bản đúc trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế’ (cửu đỉnh) vừa được công nhận là di sản tư liệu thế giới.

Lúc 13h09 ngày 08/05/2024 Tại hội nghị toàn thể Ủy ban Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP 2024) của UNESCO,  diễn diễn ra tại Mông Cổ hồ sơ “Những bản đúc trên chín đỉnh đồng ở hoàng cung Huế” – Cửu Đỉnh vừa chính thức được Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương của UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới.

2025.5.8.cucudinh6

UNESCO trao chứng nhận vinh danh Cửu đỉnh – Hoàng cung Huế vào danh mục Di sản Tư liệu Thế giới – Ảnh: Cổng TTĐT TT.HUẾ

Đây là niềm vui không chỉ đối với riêng Thừa Thiên Huế, mà còn là niềm vinh dự và tự hào của tất cả người dân Việt Nam. “Điều này đã khẳng định vai trò, tầm quan trọng của di sản văn hóa Huế trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh về lâu dài. Ông Lê Công Sơn, phó giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế vui mừng chia sẻ.

Giangtran

Giới thiệu về di sản tư liệu thế giới – Cửu Đỉnh

Di sản thứ 8 tại tỉnh Thừa Thiên Huế và là di sản thứ 29 của Việt Nam được Unesco công nhận là di sản thế giới

M 20220802 CUUDINH1

Ảnh: Cổng TTĐT TT.HUẾ

Đối diện với Thế Tổ Miếu là Cửu đỉnh (09 cái đỉnh bằng đồng), được đúc vào các năm 1835-1836, dưới thời vua Minh Mạng. Cửu đỉnh do những người thợ thủ công ở Phường Đúc Huế thực hiện, những nghệ nhân đúc nên các đỉnh này từ các làng nghề đúc nổi tiếng ở Thanh Hóa và Bắc Ninh vào đây từ thời các chúa Nguyễn. Trên mỗi đỉnh khắc nổi 17 họa tiết và được xếp thành 03 tầng: trên, dưới, giữa chạy tròn theo quanh thân mỗi đỉnh. Những hình tượng tự nhiên như: mặt trời, mặt trăng, tinh tú… Hình ảnh của núi, sông, của biển, cửa quan…Các loài hoa, muông thú, sản vật, vũ khí, phương tiện v..v… Thể hiện vũ trụ quan và nhân sinh quan của người xưa, đồng thời đó là bằng chứng lịch sử và pháp lý về chủ quyền của một đất nước thịnh vượng và thống nhất và giàu đẹp. Mặt trước của thân đỉnh đúc nổi hai chữ Hán, chữ sau là chữ “đỉnh”, chữ còn lại là tên riêng của đỉnh: (Cao, Nhân, Chương, Anh, Nghi, Thuần, Tuyên, Dụ, Huyền), tên của đỉnh cũng là tên gọi miếu hiệu của từng vị vua nhà Nguyễn ứng với các án thờ trong Thế miếu.

20220720 cuu dinh

Ảnh: Cổng TTĐT TT.HUẾ

Cao Đỉnh miếu hiệu vua Gia Long (Thế Tổ Cao Hoàng Đế), Nhân Đỉnh miếu hiệu vua Minh Mạng (Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế), Chương Đỉnh miếu hiệu vua Thiệu Trị (Hiến Tổ Chương Hoàng Đế), Anh Đỉnh miếu hiệu vua Tự Đức (Dực Tông Anh Hoàng đế), Nghị Đỉnh miếu hiệu vua Kiến Phúc,Thuần Đỉnh miếu hiệu vua Đồng Khánh (Cảnh Tông Thuần Hoàng đế), Tuyên Đỉnh miếu hiệu vua Khải Định (Hoằng Tôn Tuyên Hoàng Đế), Dụ Đỉnh và Huyền Đỉnh, tên hai đỉnh sau cùng này chưa tượng trưng cho vua nào vì triều Nguyễn đã kết thúc.

Mỗi đỉnh khác nhau về trọng lượng, nặng từ 02 tấn đến 2,7 tấn. Khi đúc đỉnh người thợ đã dùng 60 lò nấu đồng cùng một lúc, trung bình mỗi lò nấu chảy từ 30 đến 40kg đồng rồi tuần tự liên tục rót vào từng khuôn. Khuôn đỉnh chúc ngược lại, phía trên là 03 chân đỉnh, đồng nấu chảy đổ vào một trong 03 chân đỉnh.

Cuudinh ledinhhoang

Ảnh: Lê Đình Hoàng

Cao Đỉnh có: Hình ảnh của Biển Đông, chủ quyền của quốc gia. Núi Thiên Tôn ở Thanh Hóa nguồn gốc của dòng họ Nguyễn, sông Bến Nghé ở Gia Định là vùng đất dấy nghiệp, kênh Vĩnh Tế thể hiện sự phát triển nông nghiệp, giao thông biên giới bờ cõi phía Nam…

Nhân Đỉnh có: sông Hương, núi Ngự là thắng cảnh nổi tiếng của Kinh đô, kênh Phổ Lợi phát triển nông nghiệp. Hình ảnh cây ngô đồng, giống cây mang về từ Quảng Đông (Trung Quốc) tượng trưng cho sự thái bình thịnh trị…

Chương Đỉnh có: hình ảnh của đất kinh đô như núi Kim Phụng, sông Lợi Nông, sông Gianh ở Quảng Bình, Biển Tây…

Nghị Đỉnh có: Quảng Bình Quan ở Quảng Bình, sông đào ở Hưng Yên, sông Bạch Đằng chảy qua Hải Phòng- Quảng Ninh, biển Thuận An ở Huế…

Anh Đỉnh có: hình ảnh sông Mã ở Thanh Hóa, sông Lô ở Tuyên Quang, núi Hồng Lĩnh ở Hà Tĩnh…

Dụ Đỉnh có : cửa biển Đà Nẵng, sông Vĩnh Điện ở Quảng Nam, sông Vệ ở Quảng Ngãi, có Hải Vân Quan …

Thuần Đỉnh có: núi Tản Viên (núi Ba Vì) ở Hà Tây, sông Thạch Hãn ở Quảng Trị, Cần Giờ cửa biển ở miền Nam…

Huyền Đỉnh có: sông Tiền, sông Hậu ở miền Nam, Hoành Sơn ở miền Trung, sông Thao ở miền Bắc… 

Tuyên Đỉnh có: núi Đại Lãnh ở Khánh Hoà, sông Lam ở Nghệ An và Hà Tĩnh, sông Hồng ở miền Bắc…

Như vậy, Cửu đỉnh – Hoàng cung Huế là Di sản Tư liệu thứ 4 của Huế được UNESCO ghi danh sau các di sản Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014) và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016). Là di sản thứ 8 của Thừa Thiên Huế và là di sản thứ 29 của Việt Nam được Unesco công nhận là di sản thế giới.


Khám Phá Di Sản

5/5 - (4 bình chọn)