Khamphadisan.com – Làng Vân nằm nép mình dưới chân đèo Hải Vân, phía bắc thành phố Đà Nẵng. Trekking Làng Vân thích hợp nhất từ tháng 3 – 9, những tháng cuối xuân đến cuối hè là thời điểm thời tiết thuận lợi bởi không có nhiều những cơn mưa kéo dài, khô ráo giúp ta dễ di chuyển hơn.

trekking lang van khamphadisan

ảnh: Jeans Tran

Di chuyển đến Làng Vân

Để đến với Làng Vân có 3 lựa chọn

Cách thứ 1: cách truyền thống là trekking từ lối chui hầm.

Cách 2: đi thuyền sang – Đi hết đường Nguyễn Tất Thành đến đoạn rẽ QL.1A thì đi thẳng theo con đường nhỏ vào làng chài Nam Ô, ở đây bạn có thể hỏi người dân xem có chuyến nào đi Làng Vân không nhé. Cách này có chút mơ hồ về giờ đi tàu, vì không rõ khi nào có chuyến. Nên tiền trạm trước một hai ngày để hỏi và xác định giờ đi với chủ thuyền cho chắc. Tuy nhiên cách này sẽ rất khỏe, không mất sức nếu đoàn đông và có nhiều bạn nữ yêu sức.

Cách 3: là đi từ trên xuống –  Chạy xe từ chân đèo đến khoảng 2 – 3km, sẽ có một quán nước bạn ghé vào đó gởi xe và hỏi lối đi xuống Làng vân. Giá gởi xe dao động từ 20 – 30k/xe khi qua đêm và 10k/xe đi trong ngày. Cách này nhanh hơn nhưng sẽ khá mất sức bởi xuống hay lên lại đều rất dốc. Nếu đoàn đông bạn nên chọn cách này và chia đều đồ đạt cho mọi thành viên và nên để trống hai tay để bám tốt và tiết kiệm thời gian.

trekking lang van khamphadisan 1

ảnh: Jeans Tran

Bọn mình có tham khảo nhiều diễn đàn du lịch và đã quyết định chọn cách được đánh giá là cho cảm giác “kích thích” nhất là chui hầm xe lửa. Chẳng khó khăn gì để tìm đến trạm gác đầu hầm gần kho xăng dầu dưới chân đèo.

trekking lang van khamphadisan 2

ảnh: Jeans Tran

Chính vì chọn cách di chuyển này mà cái cảm giác lo sợ, nếu có tàu đến bất ngờ thì có nước xách dép chạy cho nhanh nếu không thì là tan biến luôn 🙂 cái cảm giác như đang tham gia trò chơi tử thần vậy, khi cửa hầm phía bên kia đã hiện ra trong tầm mắt thì bọn mình mới  vũng vàng niềm tin để tiếp tục cuộc hành trình.

trekking lang van khamphadisan 3

ảnh: Jeans Tran

Ra khỏi hầm ngồi nghỉ lấy sức và tiếp tục hành trình. Có hai cách để xuống, một là từ trạm gác leo xuống dốc và qua 2 vách đá cao. Cách hai cứ đi trên đường ray 3 – 4 km sẽ có lối xuống. Bọn mình muốn ngắm tàu chạy và cảnh từ trên cao nên chọn bắt đầu với cách hai và về bằng cách còn lại. Vì thế chúng tớ đã có những tấm ảnh thật tuyệt vời.

trekking lang van khamphadisan 4

ảnh: Jeans Tran

Bãi dừa từ từ hiện ra trong tầm mắt. Sóng đánh vào bãi này vẫn còn khá mạnh…

trekking lang van khamphadisan 5

ảnh: Jeans Tran

Trên đường nếu có gặp người địa phương, đừng ngại hỏi đường, họ sẽ chỉ dẫn rất chi tiết và nhiệt tình. Trên hình là là cột đèn tín hiệu báo sắp đến ngã rẽ vào làng.

trekking lang van khamphadisan 6

ảnh: Jeans Tran

Qua cột đèn tín hiệu, đi tiếp một đoạn ngắn hãy để ý bức tường phía tay trái sẽ thấy dấu hiệu chỉ vào làng. Chữ viết đã rất mờ cộng thêm lối rẽ cây cối mọc um tùm che khuất, nên lần sau mọi người có đến nhớ nhìn kỹ nhé.

trekking lang van khamphadisan 7

ảnh: Jeans Tran

Sau vài lối rẽ xanh tươi um tùm và vài bậc đá lởm chởm, đây là hình ảnh đang chờ đợi bạn. Đằng xa là đoàn tàu vừa mới ôm đèo chuẩn bị vào Đà Nẵng. Cả một vùng bình nguyên rộng lớn trải dài đến tận chân đèo, phía cao mây mù đang che phủ đỉnh Hải Vân. Thật khó để ôm trọn khung cảnh ấn tượng này vào góc nhìn của ống kính. Nếu có cơ hội, bạn hãy đến và chiêm ngưỡng. Mọi cảm giác mệt mỏi, nôn nao từ sáng bỗng tan biến trước khung cảnh này

trekking lang van khamphadisan 8

ảnh: Jeans Tran

Tiếp tục đi vào trong sẽ bắt đầu bắt gặp hình ảnh về một ngôi làng bị bỏ hoang, nơi có vẽ đẹp đang bị thiên nhiên đang dần che lấp những mái nhà đổ nát…

trekking lang van khamphadisan 9

ảnh: Jeans Tran

Khi đã vào làng, các bạn có thể bắt gặp một vài người đang tạm trú trong làng. Họ là người từ nơi khác đến, chủ yếu kiếm sống bằng nghề cá và chăn nuôi bò. Nên chủ động đến hỏi chuyện và cho họ biết mục đích đến làng của mình. Mình được chỉ dẫn muốn đến được bãi Xoan phải đi vòng lên trên vượt qua cầu, đường ven biển không đi được vì có một khe nước rất lớn.

trekking lang van khamphadisan 10

ảnh: Jeans Tran

Một số mái nhà còn sót lại được người tạm trú tận dụng làm nơi sinh hoạt tạm bợ và trên đường đi bạn sẽ chỉ bắt gặp nhiều nhất là mấy sinh vật này thôi 🙂

trekking lang van khamphadisan 11

ảnh: Jeans Tran

Sau gần 1 tiếng rưỡi cuốc bộ tính từ gốc cây lớn ở đầu làng, mình đã đến được bãi Xoan. Thực ra, quãng đường không quá xa mà là do mình vì chủ quan mà đi lạc tít lên tận sát chân đèo. Nếu bạn có đi làng Vân thì cứ men theo đường mòn nhìn thấy được trên google maps nhé.

trekking lang van khamphadisan 12

ảnh: Jeans Tran

Phải công nhận cảnh quan bãi Xoan sẽ không làm uổng phí công sức đi bộ của các bạn đâu. Cả một bờ biển hoang vắng, không hề có dấu chân người. Đến được đây, bạn hoàn toàn có cảm giác chinh phục!

Các bạn cũng có thể cắm trại tại bãi Xoan nhé! Để cắm ở bãi này bạn phải đến đồn biên phòng và gởi lại tất cả CMND của từng thành viên. Nếu bạn muốn ngắm sao thì đừng đi vào ngày có trăng nhé. Hôm sau về cứ men theo đường cũ để về thôi.

Vật dụng cần thiết khi đến Làng Vân

  • Thức ăn cho cả đoàn (hãy quy ra số lượng bữa và cộng thêm 1 bữa dự trữ)
  • Rựa (đoàn 6 người một cây)
  • Nước uống ( nếu đi 2 ngày 1 đêm phải tối thiểu 3 lít/người vì tình trạng nước ngọt nơi này khá khan hiếm)
  • Dụng cụ y tế
  • Lều, trại, túi ngủ
  • Dao sếp, dao cá nhân
  • Đèn pin (mỗi người một đèn và đoàn nên có 2 đèn pin siêu sáng)

Một số lưu ý:

– Mỗi người nên phòng cho mình 1 đôi dép vì phải trải qua nhiều địa hình: đồi núi, cát, bùn lầy,… tránh để đôi giày thể thao bị ướt rất khó di chuyển.

– Trước khi cắm ở bãi xoan phải trình báo đầy đủ với đồn biên phòng, nên chủ động dù không được gọi nhắc.

– Bãi Xoan là bãi đẹp nhất có thể ngắm bình minh nhưng không thể tắm vì là vùng nước xoáy.

Có thể bạn quan tâm:

binhqb94 (Tổng hợp – biên tập)

Nguồn: Phuot.vn / Du lịch Đà Nẵng

5/5 - (1 bình chọn)