Thành Bản Phủ (hay Thành Chiềng) mang giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của Việt Nam. Là một trong những dấu tích lịch sử về công cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm, giải phóng Mường Thanh do tướng Hoàng Công Chất lãnh đạo vào thế kỷ 18.

Nội dung chính

    Đường đến thành Bản Phủ

    Thành Bản Phủ

    ảnh: Vietnam Landmarks

    Thành Bản Phủ nằm tại xã Noọng Hẹt, huyện Điện Biên của tỉnh Điện Biên. Thành cách trung tâm thành phố Điện Biên chừng 9km về hướng Nam.

    Đường đến thành Bản Phủ cũng khá dễ dàng. Bạn có thể đi từ thành phố Điện Biên Phủ, đi theo tuyến đường quốc lộ 279 (AH13) khi đến chợ Bản Phủ thì rẽ phải thêm đoạn nữa là đến khu di tích Thành Bản Phủ.

    Sơ lược lịch sử

    Thành Bản Phủ gần như bị phá hủy hoàn toàn

    ảnh: Vietnam Landmarks

    Những năm đầu thế kỷ thứ 18, giặc Phẻ từ phương Bắc tràn xuống, cướp bóc, chiếm cứ Mường Thanh và đóng quân ở thành Tam Vạn rồi tiếp tục đánh đến tận Thuận Châu (Sơn La).

    Hay tin, Lò Văn Ngải, Lò Văn Khanh tập hợp nghĩa quân đứng lên chống trả nhưng lực lượng còn yếu đành phải vào vùng thượng du cố thủ.

    Sau đó, nghĩa quân của Lò Văn Ngải và Lò Văn Khanh kết hợp cùng nghĩa quân của Hoàng Công Chất. Sau khi tập hợp đủ quân số, từ 1751 đến 1754 nghĩa quân đã đánh với giặc Phẻ nhiều trận ác liệt và chiếm lại được vùng Mường Thanh. Năm 1758, Hoàng Công Chất cho xây dựng thành Bản Phủ, là một thành lũy vững chắc hơn thành Tam Vạn.

    Tuy nhiên, đến năm 1769, quân Trịnh lại tấn công Mường Thanh, đánh bại con trai của Hoàng Công Chất là Hoàng Công Toản và phá hủy thành Bản Phủ.

    Kiến trúc thành Bản Phủ

    Cây cổ thụ trong Thành Bản Phủ

    ảnh: Tổng cục Du Lịch

    Thành Bản Phủ rộng hơn 80 mẫu, được xây dựng theo một hình thế rất linh hoạt, tận dụng được những thuận lợi về thiên nhiên, địa hình. Thành tường đắp bằng đất, cao 5m, mặt thành rộng 4 – 6m. Bên ngoài có hào sâu rộng 4 – 5 thước. Thành Bản Phủ có 4 cổng: tiền, hậu, tả, hữu. Ở mỗi cổng có đồn và vọng gác đắp cao. Khắp 4 phía đều được trồng một giống tre ngà có gai cong như chiếc ngà voi làm phên dậu che chắn cho tòa thành…

    Tại Thành Bản Phủ, để ghi nhớ công ơn của Hoàng Công Chất, người dân đã xây dựng đền thờ ông. Đền thờ Hoàng Công Chất được xây ngay trung tâm thành Chiềng Lê (tức Bản Phủ) để thờ họ Hoàng và 6 thủ lĩnh nghĩa quân – là di tích lịch sử văn hóa quan trọng của địa phương.

    Trong khuôn viên thành có cây cổ thụ to lớn, được cho là do thủ lĩnh Hoàng Công Chất và tướng Ngải, tướng Khanh cùng trồng. Dù đã trải qua bao nhiêu năm biến cố nhưng cây cổ thụ vẫn rất vững chãi.

    Lễ hội tại thành Bản Phủ

    Lễ hội Thành Bản Phủ

    Lễ hội Thành Bản Phủ – ảnh: tpdienbienphu

    Hằng năm, vào 2 ngày 24 và 25 tháng 2 âm lịch, tại xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã diễn ra Lễ hội Thành Bản Phủ. Lễ hội gắn với ngày hội Văn Hóa – Thể Thao – Du lịch các dân tộc Điện Biên.

    Lễ hội diễn ra nhằm tưởng nhớ thủ lĩnh tướng quân Hoàng Công Chất và 2 vị tướng cùng nghĩa quân bảo vệ vùng Mường Thanh năm xưa.

    Lễ hội Thành Bản Phủ thường gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ được bắt đầu bằng rước kiệu, múa rồng trang trọng. Sau đó là phần dâng hương, đọc chúc văn kể lại quá trình đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm và giữ bản làng của thủ lĩnh tướng quân Hoàng Công Chất.

    Hiện tại, tuy không còn mang dáng vẻ hùng vĩ như xưa nhưng di tích Thành Bản Phủ được tôn tạo một đoạn tường thành để du khách khắp nơi có thể liên tưởng về tòa thành cổ uy nghi bề thế. Là một công trình kiến trúc quân sự trấn thủ vùng biên cương, gợi nhớ lại cuộc khởi nghĩa.

    Có thể bạn quan tâm:

    diemtv (Tổng hợp)

    5/5 - (1 bình chọn)