Khamphadisan.com – Là vùng đất không có quá nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng cho lắm nhưng Long An là một tỉnh giao thoa của nhiều văn hóa các vùng. Du khách đến du lịch Long An thường để tìm hiểu về văn hóa, lịch sử tham quan chùa chiền và trong số đó chùa Phước Lâm là điểm đến được nhiều du khách quan tâm.
ảnh: Nguyên Xuân Thắng
Chùa Phước Lâm hay còn gọi là Chùa Ông Miêng, là một ngôi chùa cổ, tọa lạc tại ấp Xóm Chùa – Xã Tân Lân – huyện Cần Đước – tỉnh Long An. Chùa được xây dựng vào năm 1880 do một lương y kiêm điền chủ ở làng Tân Lân là ông Bùi Văn Minh đã đứng ra xây dựng vừa thời Phật vừa làm từ đường cho dòng họ Bùi. Chùa có tên chữ hán là Phước Lâm Tự ngoài ra còn có tên là chùa ông Miêng.
ảnh:Nguyên Xuân Thắng
Tổng thể của ngôi chùa gồm 3 phần: Chánh điện, khu mộ tháp và nhà trù. Khu chánh điện là một ngôi nhà lớn được xây dựng theo kiểu ”bánh ít”, có móng đá xanh, tường gạch, mái được lợp ngói vảy cá. Toàn bộ cột trụ của chùa đều bằng danh mộc hình trụ tròn, được kê trên những chân tán đá xanh, liên kết với nhau bởi hệ thống xiên, vì kèo, sườn mái tạo cho không gian bên trong rất rộng rãi thoáng mát.
ảnh: Ngọc Viên
Phía bên trong ngôi chùa nội thất khu chánh điện vẫn còn giữ được những nét cổ kính vốn có như lúc ban đầu cho dù đã trải qua nhiều lần trùng tu. Hiện chùa Phước Lâm đang lưu giữ những di vật như: 40 tượng Phật, Ngọc Hoàng, Bồ Tát, Hộ Pháp, Kim Cương, Thập Điện Diêm Vương… rất uy nghi, trầm mặc tôn thêm nét trang nghiêm của ngôi chùa. Và nhiều bộ hoành phi, câu đối, liễn đối được sơn son thếp vàng rực rỡ. Đa số những tượng Phật nơi đây đều được làm từ chất liệu gỗ, đồng được chế tác từ thế kỷ 19 với phong cách nghệ thuật đậm chất văn hóa Phật giáo vùng Nam Bộ.
ảnh:Ngọc Viên
Nơi đây còn có một pho tượng rất đặc biệt tượng tạc một vị Bồ Tát mình mặc áo cà sa, trên tay cầm phất trần, đang ngồi trên long mã bằng gỗ. Những bộ hoành phi, câu đối đều được chạm trổ rất công phu, tỉ mỉ và là sản phẩm của các nghệ nhân họ Đinh ở Tân Lân Cần Đước.
ảnh:Nguyên Xuân Thắng
Đặc biệt nhất là bức hoành ” Pháp luân thường chuyển” chạm lộng nhiều lớp có dạng cuốn thư với chủ đề cúc trĩ. Chữ thọ được chạm nổi tách làm đôi ở hai đầu cuốn thư và 4 chữ pháp luân thường chuyển sơn đỏ trên nền vàng làm tăng đường nét tinh xảo, sinh động cho hoành phi. Đây là một trong những bức hoành đẹp nhất ở Long An chứng minh cho trình độ nghệ thuật điêu luyện của nghề chạm khắc gỗ ở Cần Đước đã phát triển mạnh vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.
Ngày nay chùa Phước Lâm không chỉ là một điểm đến của những người theo đạo phật mà nơi đây còn là nơi dừng chân của du khách khắp nơi tìm về dâng hương lên đức Phật vào các dịp lễ, cũng như vãn cảnh tham quan ngôi chùa cổ kính này.
Có thể bạn quan tâm:
- Kinh nghiệm du lịch Long An
- Những điểm vivu không được bỏ qua khi đến Long An
- Đến Cần Đước khám phá ngôi nhà 100 cột
binhqb94