Sáng sớm tinh mơ ở thung lũng Ngọc Chiến (Mường La, Sơn La) tiếng chó sủa, tiếng gà gáy, tiếng trẻ con đùa nhau vui vẻ đánh thức chúng tôi dậy trong cái lạnh tê người. Mặc dù vẫn còn chếnh choáng hơi men vì tối qua không cưỡng lại món rượu gạo nếp non (rượu Vạng) của đồng bào nơi đây nhưng đã có dự định là sáng nay sẽ dạo một vòng quanh bản để thăm bản nên không thể ngủ thêm.
Ngọc Chiến, một xã của huyện Mường La nằm sâu trong thung lũng và ở độ cao 1800m so với mực nước biển. Thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này nhiều điều rất thú vị mà đầu tiên phải kể đến là những mỏ nước khoáng nóng lộ thiên với nhiệt độ trung bình từ 50 đến 70 độ. Đến Ngọc Chiến bạn sẽ sững sờ trước vẻ đẹp hoang sơ cùng nhiều nét đặc trưng văn hóa của người Thái khiến ta say mê…
Trong tất cả những điều đó, điều làm tôi và bất cứ ai cũng tò mò nhất trước khi đến đây chính là tục tắm tiên của đồng bào nơi đây.
Trở lại chiều hôm qua, chúng tôi đến đây khi mặt trời chuẩn bị khuất núi, cũng là lúc người bản Lướt trở về sau một ngày lên nương rẫy. Mọi người hồn nhiên thoát y rồi ngâm mình vào bồn nước khoáng đang bốc hơi không chút ngại ngùng.
Những cô gái Thái vẫn thản nhiên kỳ cọ và cười nói vui vẻ, bất chấp và coi thường mọi ánh nhìn. Chỉ cách chừng vài mét, các cô gái Thái với nước da trắng nõn đang tắm tiên dưới bể khoáng, hơi nước bốc lên mờ ảo khiến tôi mê mẫn mãi ngắm nhìn. Mục sở thị, đúng là trăm nghe không bằng một thấy.
Tạm gác lại những suy nghĩ miên man, dạo một vòng quanh bản, chúng tôi bắt gặp những đứa trẻ đuổi nhau với trò đánh lốp, á…trở về tuổi thơ đây rồi. Đi thêm một đoạn là cây cầu treo bắc qua con suối khô cạn, xa xa mặt trời dần khuất núi và cây Samu 1000 năm tuổi. Chợt nhận ra rằng, ở Bản Lướt có một gam màu xám rất cổ kính không phải vì hoàng hôn. Đó chính là những ngôi nhà lợp bằng gỗ Pơmu rất đặc trưng và nguyên bản, hơi nước bốc lên từ những hồ khoáng, làn khỏi chiều lan tõa trên những mái nhà đã đánh lừa ảo giác của chúng tôi như đang lạc vào xứ sở thần tiên chăng?
Chúng tôi trở về con đường cũ để chuẩn bị cho buổi giao lưu với đồng bào và chính quyền địa phương. Buổi tối, không khí thật tuyệt vời, đêm nay lại có cả trăng, người dân trong bản đến rất đông, có lẽ lâu lắm rồi họ mới thấy bản Lướt đông người như vậy. Mọi người giao lưu vui vẻ, cụng ly tưng bừng, xôi nếp tan, thịt hun khói, cá suối nướng… và thưởng thức hát then. Không ai nỡ từ chối trước sự hiếu khách của người Ngọc Chiến, và cũng không ai sợ quá chén vì nếu có say, dòng nước khoáng sẽ giúp bạn khỏe ngay thôi.
Ham kể chuyện quá mà quên mất thời gian, sắp phải di chuyển. Sắp chia tay Ngọc Chiến nhưng lòng còn quá nhiều hối tiếc và suy ngẫm. Nhất là cách khai thác và ứng xử trong văn hóa du lịch. Tắm tiên ở Ngọc Chiến là một trong rất ít những nơi còn giữ được nguyên bản tục tắm tiên của vùng cao Tây Bắc. Nhưng việc khai thác du lịch sẽ đưa bộ phận khách du lịch hiếu kỳ đến nơi đây. Điều này có thể sẽ nhanh chóng xóa sổ những gì nguyên bản, hoang sơ nhất ở đây.
Trong chuyến đi toàn những con người làm du lịch, mặc dù ý thức tôn trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa luôn được nâng cao nhưng vẫn không tránh khỏi sự tò mò vốn có. Chụp ảnh để lưu giữ những khoảng khắc không có gì xấu, tuy nhiên hãy để cho nó mờ ảo vốn có, không nên cố gắng tiến lại gần để chụp sát hơn, tệ hơn nữa, một số bạn còn live stream facebook, chia sẻ trực tuyến thì càng không nên.
Với góc độ của một du khách, có lẽ rằng một vùng đất đẹp như thế, những con người đáng yêu như thế, những món ăn ngon như thế, những nét văn hóa đặc sắc như thế… Thì các nhà quản lý du lịch tỉnh Sơn La phải áp dụng luật chơi của riêng mình một cách triệt để nhằm bảo vệ tài sản quý giá này.
Ở vấn đề này, người viết đề xuất triển khai các khu vực cấm quay phim chụp ảnh ở những khu vực “đặc biệt”, ở những khu vực này không cho bất kỳ ai vào quay phim, chụp ảnh, livestream…gì cả. Nếu không đồng ý thì quay xe ra không tiến vào nữa. Có như vậy con cháu chúng ta mới có cơ hội ngắm những cô gái Thái xinh đẹp thoát y, tắm tiên trong làn hơi nước mờ ảo…và cả cảnh quan hoang sơ cùng phong tục tập quán đặc trưng nơi đây.
Rời Ngọc Chiến, chúng tôi sẽ đến một cao điểm nữa của Sơn La, nằm trong lộ trình khảo sát của đoàn Famtrip, đó là Mộc Châu. Trãi qua nữa chặng đường khảo sát nhưng chúng tôi đã cảm nhận được tình cảm của những người con Sơn La, những người đã tổ chức nên chương trình khảo sát để giới thiệu quê hương mình đến mọi miền tổ quốc, những con người bản địa bao đời đã tạo nên văn hóa đặc sắc và những điều khó quên cho chúng tôi. Có một điều chắc chắn rằng, chúng tôi sẽ trở lại để hòa mình vào lễ hội Mừng cơm mới, trở lại để thưởng thức món xôi nếp tan, canh thối, thịt thối, bọ xít rừng, canh nòng nọc, chuột núi xôi…
Một vài chia sẻ !
Cùng xem thêm một số hình ảnh đẹp:
Bài viết là những cảm nhận của người viết sau một chuyến tham quan và ở lại tại Mường La.
Mường La – phát triển du lịch và thách thức bảo tồn văn hóa
Cùng chia sẻ xúc của bạn sau mỗi hành trình tại khamphadisan@gmail.com. Theo dõi thêm tại fanpage Khám Phá Di Sản.
TrầnTiến Học, công ty du lịch Đại Bàng (Eagle Tourist)