Khamphadisan.com – Ấn tượng đầu tiên của bạn khi đến với làng Lụa là những cây dâu to lớn cành lá sum suê tạo bóng mát cả một không gian vừa hoài cổ vừa hiện đại. Đến với làng lụa Duy Xuyên bạn sẽ được trải nghiệm và hòa mình vào không gian của một ngôi làng cổ, nơi những cô thôn nữ mặc áo bà ba đang tỉ mẩn ươm tơ, dệt lụa bên khung cửi cách đây hàng thế kỷ.
ảnh: T.Qưới
Làng Duy Xuyên đã có lịch sử hơn 400 năm. Nơi đây từng lưu truyền câu chuyện tình yêu lãng mạn về Bà Chúa Tằm Tang – là cô một thôn nữ xứ Quảng đi hái dâu bên sông Thu Bồn và Thái tử Nguyễn Phúc Lan, con của Chúa Sãi, để rồi sau này trở thành quý phi.
Ảnh: sưu tầm
Chuyện kể rằng, bà Đoàn Thị Ngọc (1601-1661) là người con thứ ba của ông Đoàn Công Nhạn – là một Hào trưởng tại làng Chiêm Sơn – Duy Trinh – Duy Xuyên. Nhân một đêm Thái tử Nguyễn Phúc Lan đáp thuyền thưởng trăng trên sông Thu Bồn, bỗng rung động bởi giọng hát của cô một thôn nữ đang hái dâu bên bờ kia sông vọng tới. Thái tử cho thuyền rồng men theo bờ sông để tìm chủ nhân của giọng hát và sau đó đem lòng yêu say đắm thục nữ Đoàn Thị Ngọc. Từ khi trở thành quý phi, bà đã khuyến khích nông dân các phủ huyện quê hương mình trồng dâu nuôi tằm, sản xuất tơ lụa để bán ra nước ngoài qua thương cảng Hội An, làm rạng danh tơ tằm xứ Quảng. Người dân nơi này đã tôn vinh bà là Bà Chúa Tằm Tang, là Tổ của nghề tơ lụa.
ảnh: sưu tầm
Sau thời gian dài bị mai một, làng lụa Duy Xuyên đã được sống lại trong không gian cổ kính và đang mở cửa để cho du khách trong và ngoài nước đến tham quan miễn phí tại số 28 đường Nguyễn Tất Thành – Tp.Hội An nhằm quảng bá hình ảnh của thu nhỏ của một thương cảng Hội An hơn 300 năm trước, nơi đã góp công lớn tạo con đường tơ lụa của Việt Nam trên biển.
ảnh: Phụ Nữ Việt Nam
Nguyên liệu để dệt lụa này rất đặc biệt, với cây dâu Đa của người Chăm Pa cổ được tìm từ vùng núi cao của Quảng Nam về trồng trong vườn của làng để làm thức ăn cho tằm vàng nhả kén. Đây là nguồn nguyên liệu hiện chỉ có ở làng lụa này, không trùng lặp với nguyên liệu được nhập về từ những nơi khác về.
ảnh: Phụ Nữ Việt Nam
Khi quay tơ từ kén vàng (loại tằm thuần chủng), nước trong nồi sẽ được pha 80 độ C nhằm mục đích để tằm nhả kén đều, mịn. Hiện, làng lụa chỉ còn có khoảng 10 nghệ nhân vừa dệt vải, vừa giới thiệu với du khách về cách làm lụa và đặc biệt là nét riêng, độc đáo về nguyên liệu chỉ có ở Hội An.
Đến với làng lụa Duy Xuyên, bạn sẽ được tham quan, tìm hiểu và sẽ được tự tay chọn những sản phẩm được sản xuất ngay tại chỗ như khăn choàng cổ, túi xách, mũ, áo, váy… để về làm quà cho bạn bè và người thân của mình.
Có thể bạn quan tâm:
- Kinh nghiệm du lịch Hội An
- Những nét hấp dẫn riêng của những làng nghề truyền thống tại Hội An
- Làng chiếu Bàn Thạch mang đậm hồn quê xứ Quảng
- City tour khám phá phố cổ Hội An
binhqb94