Sóc Trăng không chỉ có những ngôi chùa cổ kính, độc đáo, tìm hiểu những nét giao thoa văn hóa của các dân tộc như Kinh – Hoa – Khmer. Bạn còn có cơ hội được thưởng thức những món đặc sản của Sóc Trăng mang nhiều sự pha trộn tinh túy giữa các nguyên liệu tự nhiên và nền ẩm thực ba sắc tộc.
Sau đây hãy cùng Khamphadisan.com khám phá những đặc sản Sóc Trăng lôi cuốn du khách nhé.
1. Bún nước lèo
Là món ăn dân dã của người dân Sóc Trăng nhưng rất nổi tiếng. Món ăn đặc biệt này chính là nằm ở nước lèo. Cách chế biến hết sức công phu, tỉ mỉ làm cho nước lèo trong vắt, không chút cặn nhưng thơm vị cá lóc đồng, vị ngọt của xương ống và dậy mùi của nhiều gia vị khác. Bún trước khi cho vào tô, được trụng qua nước sôi, thêm tôm, thịt cá phi lê, thịt heo quay… rồi chan ngập nước lèo. Bún này phục vụ cùng đĩa rau sống đủ loại: bắp chuối, húng quế, hẹ, húng thơm, giá sống… Khi ăn sẽ cho thêm chanh, ớt tươi vào và trộn đều. Các bạn sẽ cảm nhận được hương thơm dịu của cá cùng vị ngon giòn, béo của thịt quay thật hấp dẫn.
2. Bún gỏi dà
Món gỏi dà bắt nguồn từ món gỏi cuốn, sau đó biến tấu và trở thành món khoái khẩu của dân bản xứ. Để chế biến được món này cần những nguyên liệu chính là: bún tươi, giá đỗ, rau sống, tôm, đậu phộng, thịt ba rọi, tương xay và thêm một số gia vị phụ khác.Nước dùng của bún được hầm từ xương heo, tương hạt, nước me chua, tạo nên một vị rất lạ, độc đáo.
3. Bánh ống
Món bánh ống được chế biến từ bột gạo xay nhuyễn trộn với lá dứa, nước đường, cốt dừa. Sau đó dồn vào ống tre hoặc ống nhôm và mang hấp cách thủy. Bánh ống tròn, dài thơm mùi lá dứa, dừa nạo. Đây cũng là món ăn vặt Sóc Trăng quen thuộc của nhiều trẻ em ở đây từ xưa. Chính sự độc đáo này mà bánh ống đã được lan rộng ra các tỉnh miền Tây và du nhập vào thành phố Hồ Chí Minh. Bánh ống ăn ngay lúc còn nóng là ngon nhất.
4. Bánh Pía Sóc Trăng
Nhắc đến Sóc Trăng chắc hẳn ai cũng nghĩ ngay đến Bánh Pía. Không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được xuất bán ra các nước trong khu vực. Mang nhiều âm hưởng của nền ẩm thực Triều Châu, bánh Pía có nguyên liệu hết sức quen thuộc của miền Tây và sự tinh tế trong phong cách ẩm thực dân tộc Hoa. Bánh được làm từ: bột mì và đường kính, và đa dạng các loại nhân như: lòng đỏ trứng muối, sầu riêng, đậu xanh, khoai môn… Sau đó mang đi nướng chín. Những chiếc bánh màu vàng ươm, thơm lừng ngây ngất. Chính vì vậy mà bánh pía trở thành món bánh nổi tiếng của Sóc Trăng.
5. Bánh Cóng
Bánh được làm chủ yếu từ bột đậu nành, bột gạo, nhân bánh là thịt heo băm hoặc tôm… được trộn lẫn tinh tế và mùi vị thơm ngon thật khác biệt. Bánh sẽ được ăn kèm với nhiều loại rau sống đặc trưng của trong vùng. Nếu những bạn nào đã từng nếm thử bánh Cóng ở các tỉnh miền Tây thì khi đến với Sóc Trăng bạn sẽ được cảm nhận vị ngon khác lạ. Sóc Trăng được xem như chính là quê hương gốc của những chiếc bánh độc đáo này. Hương vị đặc trưng đầy nét cuốn hút mà bất cứ ai cũng phải mê mẩn: ngọt tôm, thơm thịt, béo mỡ, bùi đậu xanh, đậu nành, đậm đà gia vị lại còn man mát cay cay hăng hăng các loại rau.
6. Mì Sụa
Những sợi mì sẽ được chế biến từ đậu nành nên cọng mì rất vàng óng. Sau đó sẽ được xào chung với các loại rau, nấm và các loại hải sản hoặc thịt gà, thịt lợn khi ăn kèm thêm nước tương, nước mắm. Mì sụa thường ngọt nên người ta cũng chế biến thành những món ăn lạ khác như chè, cùng với trứng gà luộc rất độc đáo.
7. Cháo cá lóc rau đắng
Cá lóc và rau đắng là những nguyên liệu dân dã có sẵn miền Tây, qua bàn tay của những con người Sóc Trăng đã trở thành món ăn ngon Sóc Trăng hấp dẫn thực khách. Cá lóc được lựa chọn thật kỹ, sau đó luộc chín, bỏ lớp da và tách thịt cá riêng. Cháo được ninh thật kỹ múc ra tô, cho thịt cá rau đắng trộn đều lên. Bạn cũng có thể cho thêm chanh, mắm, tiêu ăn kèm. Vị đắng của rau ban đầu sẽ làm bạn khó chịu nhưng ăn đến miếng thứ hai bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt, béo của cá lóc và gạo ninh nhừ.
Có thể bạn quan tâm:
Bìnhqb94 – Khám Phá Di Sản
Tổng hợp