Thành Đồng Hới, có tên chữ là “Định Bắc Trường Thành”, là dấu tích của thời vua Minh Mạng còn sót lại tại Tp.Đồng Hới. Tọa lạc trên địa hình xung yếu, là được xem là một cửa ngõ độc đạo xuyên suốt trên con đường từ Bắc vào hay Nam ra. Trải qua hơn 200 năm, Thành Đồng Hới (Quảng Bình) được xây dựng chủ yếu bằng vật liệu: gạch từ thời Minh Mạng, hiện nay chỉ còn 1.087 m với 15 đoạn dích dắc hình răng khế, cổng phía Đông…
Thành Đồng Hới cách cửa biển Nhật Lệ chỉ 1.500m, phía Đông của thành là sông Nhật Lệ. Thành Đồng Hới thuộc địa phận của phường Hải Đình – Tp.Đồng Hới, còn lưu giữ nhiều chứng tích của hai cuộc chiến tranh, in dấu ý chí kiên cường quật khởi của quân và dân Quảng Bình. Bạn có thể dễ dàng thuê xe máy ở Đồng Hới sau đó tự do di chuyển để khám phá địa danh nổi tiếng này.
Thành Đồng Hới được vua Gia Long cho xây dựng bằng đất vào năm 1812. Đến năm 1824 thời vua Minh Mạng, thành được cho xây dựng lại bằng gạch theo lối kiến trúc vô băng, thành luỹ quân sự, do một sĩ quan người Pháp thiết kế.
Kiểu thành vô băng có dạng hình học rõ ràng, có những phần nhô ra góc cạnh, phù hợp với điều kiện quân sự đã phát triển. Ở đây, thành Đồng Hới có hình múi khế, 4 múi to và 4 múi nhỏ. Ngoài thành là hào sâu và rộng. Thành được kết hợp kiến trúc quân sự châu Âu với tinh hoa bản địa, thể hiện ở việc xây bằng gạch, vữa mật mía trộn cát, không tô trát, gạch có độ nung cao.
Chu vi thành chừng 1.860m, cao 1 trượng (4m). Mặt thành rộng 1m35, móng thành dày 2m. Mặt chính của thành quay về hướng Tây. Thành có 3 cổng lớn Bắc – Nam – Đông, trên cổng có vọng canh 8 mái. Cổng thành xây uốn kiểu tam quan thông ra ngoài bằng chiếc cầu gạch cũng xây kiểu vòm cuốn xinh xắn.
Thành Đồng Hới có thiết kế đặc biệt, chỉ có 3 cửa. Ở phía Tây, nơi đối đầu trực diện với quân thù nên chỉ có thành cao, hào sâu cùng với cạm bẫy chặn địch…
Cửa Đông sát với sông và cửa biển Nhật Lệ, góp phần chặn mũi tấn công đường thủy, đồng thời nhận quân tiếp viện và là nơi lui quân. Trong hình là cầu bắc qua hào và cổng phía Đông sau khi được tôn tạo.
Thành được xây ngay tuyến đường xuyên Việt, trấn ải ở vị trí hiểm yếu. QL.1A hiện đi bên trong lòng thành cổ. Hai cổng phía Bắc – Nam hiện nay đã đổ sập hoàn toàn.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, thành Đồng Hới đã bị bom đạn hủy diệt với ý đồ ngăn chặn sự chi viện của hậu phương từ miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Trong những ngày tháng gian khổ ấy, nhiều người con của Đồng Hới đã anh dũng chiến đấu và hy sinh, như: mẹ Suốt chèo đò đưa bộ đội qua sông, em bé Bảo Ninh tiếp đạn cho bộ đội, các cụ lão dân quân Đức Ninh bắn cháy máy bay Mỹ…
Trong lịch sử hơn 200 năm tồn tại, thành Đồng Hới đã trở thành cứ điểm quân sự chính trị quan trọng từ thời phong kiến cho đến các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Ngày nay, bên trong thành là các cơ quan chính quyền, quân sự, công an… của tỉnh Quảng Bình.
Giai đoạn 2002 – 2009, cổng và cầu phía Đông và các đoạn tường thành còn sót lại được ngành văn hóa Quảng Bình trùng tu, tôn tạo. Bên ngoài hào đoạn phía Nam và Đông được trồng cỏ xanh mướt, trở thành công viên xanh. Những phía còn lại, nhà cửa mọc lên san sát, cho thấy sức sống của một đô thị trẻ.
Hiện nay, Thành Đồng Hới là địa điểm tham quan được nhiều hãng lữ hành đưa vào trong chương trình Đồng Hới city tour, nhiều đôi trẻ đã đến đây để chụp ảnh cưới bởi khung cảnh đẹp.
Có thể bạn chưa xem:
- Hoằng Phúc Cổ Tự điểm đến tâm linh đầu xuân tại Quảng Bình
- Kinh nghiệm du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng
- Có một thiên đương sa mạc sát vách ở Đồng Hới
binhqb94(Tổng hợp & biên tập)