Khamphadisan.com.vn – Mang đậm phong cách kiến trúc Cung Đình Huế, với ngói, gạch cổ, gỗ, cửa tái chế, sứ có tuổi hơn trăm năm, họa tiết trang trí từ thời Nguyễn. Nhà vườn Bến Xuân là điểm đến ấn tượng, hấp dẫn đối với những người yêu Huế, yêu nghệ thuật.

nhà vườn bến xuân

ảnh: sưu tầm

Nằm giữa chùa Thiên MụVăn Thánh, nhà vườn Bến Xuân tọa lạc tại đường Văn Thánh, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhà vườn Bến Xuân là một công trình mười năm tâm huyết của vợ chồng nghệ sĩ tài hoa Camille Huyền với tất cả kỷ niệm, hiểu biết, tìm hiểu sâu về nghệ thuật truyền thống của Huế.

nhà vườn bến xuân

ảnh: Đỗ Sỹ

Là công trình mang phong cách kiến trúc Cung Đình Huế, với ngói, gạch cổ, gỗ, cửa tái chế, sứ (trũng) có tuổi hơn trăm năm, họa tiết trang trí cổ điển như thời Nguyễn, nhà vườn Bến xuân thật sự là điểm đến ấn tượng, hấp dẫn với những người yêu Huế, yêu nghệ thuật. Nơi này như một mô hình tiêu biểu của sự “bảo tồn thích nghi”: Bên ngoài mang vẻ cổ kính, giữ nguyên giá trị đặc trưng của truyền thống Huế, bên trong là sự tiện nghi, hiện đại và sang trọng.

nhà vườn bến xuân

ảnh: Đỗ Sỹ

Đặc biệt hơn, chủ nhân của ngôi nha đã gần như khắc phục hết được những nhược điểm của một ngồi nhà rường hay lớn hơn là cung phủ ở Huế – triều Nguyễn với những khu nhà ở có đầy đủ tiện nghi của đời sống hiện đại, vừa hòa hợp với môi trường thiên nhiên của xứ Huế.

nhà vườn bến xuân

ảnh: Đỗ Sỹ

Nhà vườn Bến Xuân khác với những ngôi nhà vườn khác ở Huế khi có đến ba cổng vào, đồng thời đây là ba tác phẩm “nghệ thuật sắp đặt” của nghệ sĩ Camille Huyền tạo nên cho ngôi nhà của mình. Đó là Cổng Sen nằm bên bờ sông Hương mang hình ảnh một con thuyền đang trôi trong mây/ trên sông với trên là trời, dưới là nước soi bóng con thuyền, vừa tạo cảnh quan tự nhiên; vừa như là sự thiên – địa – nhân hợp nhất, một qui luật vũ trụ càn – khôn.

nhà vườn bến xuân

ảnh: sưu tầm

Phía Đối diện là cổng Thiền Sư – cổng vào phía đường Văn Thánh với dáng Phật ngồi thiền trên ao sen, mô phỏng một tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ điêu khắc trứ danh Điềm Phùng Thị. Bên hông chính là cổng Bút Tháp – cổng thứ ba trong khuôn viên Bến Xuân với điểm nhấn là chữ “Om” trong câu thần chú “om mani padme hum” được viết bằng chữ Phạn.

nhà vườn bến xuân

ảnh: mindypoder

Du khách vào ở bất kỳ cổng nào cũng được đón bằng những lối đi được lát bằng gạch Bát Tràng có niên đại trên dưới 300 năm dẫn đến “phòng khách” chính là lầu Nghinh Phong mang dáng dấp của lối kiến trúc thời vua Khải Định và các công trình kiến trúc, họa tiết trang trí mô phỏng kiểu cung phủ, đền đài thời nhà Nguyễn.

nhà vườn bến xuân

ảnh: sưu tầm

Toàn cảnh Bến Xuân là một khu “vườn Huế” rộng mênh mông với đầy đủ các loại hoa quả, cây trái mùa nào thức nấy. Ngoài ra, còn có bến nước, vườn rau, vườn lúa… mang lại nét yên bình đặc trưng của không gian làng quê Việt Nam vốn lâu lắm không còn thấy ở đời thực và quan trọng nhất là tất cả đều rất sạch.

nhà vườn bến xuân

ảnh: sưu tầm

Nhà vườn Bến Xuân còn có một nhà hát cổ điển đúng chuẩn quốc tế được xây theo lối kiến trúc truyền thống Huế với sức chứa khoảng 60 chỗ ngồi. Đây là phòng hòa nhạc cổ điển được hoạt động theo mô hình câu lạc bộ, một tháng mở cửa một lần để giới thiệu đến người nghe nhạc, người chơi nhạc những album thơ nhạc và cũng là nơi tổ chức những buổi trình tấu hoà nhạc theo chủ đề… Ngoài ra, đây còn là nơi để những văn nghệ sĩ Huế và trong, ngoài nước đến giao lưu giới thiệu thơ, sách, hoặc triển lãm tranh.

nhà vườn bến xuân

ảnh: Đỗ Sỹ

Hiện nay Bến Xuân đang là một địa chỉ để giao lưu và quảng bá văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam đến với bạn bè thế giới bằng việc mở cửa đón khách tham quan (chủ yếu là khách nước ngoài đặt trước và khách của chính quyền địa phương) thông qua những bữa ăn và đêm nhạc do chính Camille Huyền đạo diễn và trình diễn.

Có thể bạn quan tâm

Khám Phá Di Sản (Tổng hợp)

5/5 - (1 bình chọn)