Thành phố Festival của Việt Nam – Thông qua các lễ hội người dân địa phương cũng như du khách có dịp giao lưu, tìm hiểu về văn hóa nghệ thuật độc đáo, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, tăng cường giao lưu hợp tác và trình diễn các loại hình nghệ thuật, Quảng bá hình ảnh cố đô Huế.
Khởi nguồn cho một thành phố Festival
“Bắt đầu từ sự kiện Festival văn hóa Việt – Pháp do TP.Huế phối hợp với tổ chức CODEV (Pháp) tổ chức năm 1992 với các hoạt động văn hóa, lễ hội thật ấn tượng, đặc sắc gắn kết với nhau, được công chúng và khách du lịch trong và ngoài nước đón nhận cho đến sự thành công của các kỳ Festival Huế từ năm 2000 cho đến 2018 bên cạnh là Festival chuyên đề tôn vinh nghề truyền thống vào các năm lẻ và nhiều lễ hội, sự kiện văn hóa du lịch như Lăng Cô huyền thoại biển, Ấn tượng Bạch Mã, ngày hội Lân Huế, lễ hội Diều Huế, Lễ hội Sen Huế… đã khẳng định năng lực tổ chức hoạt động văn hóa, lễ hội mang tầm khu vực và quốc tế của vùng đất Cố Đô”.
Trải qua các kỳ Festival, di sản văn hóa Huế đã được phát huy từ văn hóa cung đình đến dân gian, mang đậm tính truyền thống và thời đại.Lễ hội Festival Huế qua các kỳ còn giúp cho Huế gắn kết, hỗ trợ trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của vùng đất cố đô.
Festival Huế giúp gắn kết cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế
Trên cơ sở những thành công mà Festival Huế mang lại, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tiếp tục đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho ngành Du lịch, nhiều khách sạn được nâng cấp, xây dựng mới, một số khu du lịch, nghỉ dưỡng được đưa vào sử dụng, tăng năng lực phục vụ khách. Lượng khách du lịch đến Huế trong các kỳ Festival cũng ngày một tăng lên rõ rệt, kéo theo sự phát triển của các loại hình dịch vụ. Doanh thu từ ngành Du lịch, dịch vụ chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của Tỉnh.
Những năm gần đây, bên cạnh các kỳ Festival thường niên, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo cho Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng đề án, tổ chức các lễ hội văn hóa nghệ thuật đặc sắc khác để góp phần làm đa dạng hóa nội dung lễ hội, tạo ra sân chơi – giao lưu lành mạnh đồng thời tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Nổi bật có thể kể đến các lễ hội được tổ chức và định hướng có kế hoạch hàng tháng/hàng tuần: Lễ hội Sen Huế, Lễ hội Diều Huế, Ngày hội Hiphop Huế, Ngày hội Lân Huế,… Chưa kể đến các ngày hội, sự kiện do các tập đoàn tư nhân tổ chức khác như Lễ hội khinh khí cầu, lễ hội ánh sáng..v.v.
Thông qua các kỳ lễ hội với từng chủ đề hấp dẫn, thu hút được đông đảo cộng đồng tham gia, đặc biệt là du khách đến Huế du lịch. Có thể nói Huế trở thành thành phố Festival đầu tiên của Việt Nam là cơ hội khẳng định thương hiệu, thu hút du khách, phát huy giá trị của Di sản Văn hóa thế giới, đưa du lịch – dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần vào sự tăng trưởng chung của ngành Du lịch miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.
Khẳng định vị thế thành phố Festival của Việt Nam
Kể từ khi đề án xây dựng “Thành phố Huế thành thành phố Festival” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007. Huế đã không ngừng nâng cao năng lực tổ chức, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật từ các khâu xây dựng kịch bản lễ hội, thi công sân khấu, các giải pháp truyền thông sự kiện và xúc tiến quảng bá nhằm tiếp cận đến đông đảo cộng đồng cũng như mang đến những kỳ lễ hội hấp dẫn, chất lượng, công phu và hoành tráng.
Chuỗi các lễ hội đặc sắc được Sở Du lịch Thừa Thiên Huế tổ chức trong năm nay có quy mô lớn như: Lễ hội Diều Huế 2019, Ngày hội Hiphop Huế 2019vàngày hội Lân Huế 2019đã trở thành kỳ lễ thành công, thu hút được đông đảo người xem.
Thông qua các lễ hội này người dân địa phương cũng như du khách có dịp giao lưu, tìm hiểu về môn nghệ thuật độc đáo, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, tăng cường giao lưu hợp tác và trình diễn các loại hình nghệ thuật, Quảng bá hình ảnh cố đô Huế – Phát huy thương hiệu và vị thế của một thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch địa phương, giữ chân du khách ở lại với mãnh đất cố đô, thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh nhà.