Chúng tôi ghé đến nhà vợ chồng anh Nguyễn Đại Nghĩa (39 tuổi) và chị Lê Thị Thuận Lộc (26 tuổi) nằm trên đường Lê Duẩn, TP Huế để tìm hiểu về cái nghề làm tranh gò đồng đầy mới mẻ này.

tranhgodong1

Theo tìm hiểu, tranh gò đồng là sự kết hợp iữa điêu khắc và hội họa. Anh Nghĩa theo nghiệp này đã gần 20 năm, anh chia sẻ: “Khi theo học tại trường mình rất thích hội họa và điêu khắc. Tham khảo nhiều nơi và với sự sáng tạo của riêng mình thì dòng sản phẩm này bắt đầu được làm ra. Tuy có gặp nhiều khó khăn vì phải thử qua nhiều loại đồng, có bức làm chưa đẹp hay màu đồng bị xỉn,… nhưng dần dần những khuyết điểm được khắc phục để có những bức tranh như mọi người thấy hôm nay.”

tranh go dong
Khi chúng tôi hỏi cụ thể để có được một bức tranh gò đồng thì vợ chồng anh Nghĩa nhiệt tình mô tả: ban đầu dùng bút vẽ hình ảnh cần tạo tác lên bề mặt tấm đồng, sau đó dùng búa gò trên bề mặt theo đường nét vẽ đã định trước để làm nổi rõ hình dáng. Sau khi gò tạo hình xong, người thợ sẽ sử dụng vật dụng chuyên dùng để chạm đường nét của những họa tiết đã được làm nổi. Nhờ công đoạn tỉ mỉ này mà tranh gò đồng có những đường nét mềm mại, uyển chuyển và có chiều sâu làm cho bức tranh gò đồng như những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật.

tranhgodong

Theo anh Nghĩa thì công đoạn chế tác tranh đồng mất rất nhiều thời gian, công sức dù đó là người thợ có tay nghề cao, thuần thục với kỹ năng điêu luyện: “Tùy thuộc vào tay nghề để người thợ hoàn thành một bức tranh từ 2 đến 3 ngày, có bức mất cả tuần vì khổ lớn và độ khó rất cao. Nếu hấp tấp thì sẽ hỏng ngay, đó là điều mà mình luôn nói để mấy anh em họ hiểu.”
“Chủ đề tranh chân dung luôn là khó nhất, người thợ cần thổi được cái hồn vào trong từng khuôn mặt. Nụ cười, ánh mắt cũng phải phô diễn được sự yêu thương, trìu mến như Phật Thích Ca, các vị lãnh tụ,…”, anh Nghĩa nói thêm.
Được biết hiện nay, trên cả nước rất ít có cở sở nào làm tranh gò đồng này. Vợ chồng anh Nghĩa lại càng cố gắng sản xuất được nhiều hơn bởi đây không chỉ lưu giữ một thứ nghệ thuật độc đáo, đẹp mắt mà còn góp phần quảng bá văn hóa Huế qua những bức tranh. Mỗi bức tranh có giá dao động từ 1,5 triệu đồng đến cả chục triệu tùy vào độ khó, tinh xảo và khổ tranh mà khách yêu cầu.

tranhgodongne
Khi thấy anh Nghĩa cố gắng hết sức mình vì tình yêu với tranh gò đồng, chị Lộc càng tự hào và động viên anh. “Chồng mình đam mê với cái nghề này thì mình cũng vui, vừa phụ anh buôn bán vừa động viên anh theo nghề. Nhiều khi thấy thương vì cả ngày đi làm về mệt, tối còn thức làm tranh cho xong để giao khách. Khi những bức tranh gò đồng được mọi người đón nhận là vợ chồng mình vui lắm”, chị Lộc bày tỏ.

Với hơn 200 mẫu mã tranh với các chủ đề chính như: chân dung, phong cảnh, tôn giáo, tĩnh vật,… giúp sản phẩm này vừa đa dạng mẫu mã, vừa phong phú để mọi người lựa chọn. Bên cạnh đó, việc màu sắc bền, sáng tối rõ ràng khi nhìn theo từng góc độ, có thể được hàng chục năm thì tranh gò đồng có nhiều ưu thế để người mua chú ý hơn.
Sau những cố gắng miệt mài, sáng tạo của mình, dòng tranh gò đồng của vợ chồng anh Nghĩa đã được xuất bán đến các nơi như Hà Nội, Nghệ An,… và cả ở nước ngoài như Mỹ, Anh, Pháp, Thái Lan, Lào,… Với anh chị, mỗi lần tham dự hội chợ hay làng nghề thì đó là niềm vui khi sản phẩm của mình được nhiều người quan tâm, đón nhận. Đồng thời là dịp để mọi người được tiếp cận dòng tranh mới lạ này.
Trong dịp Festival nghề truyền thống Huế sắp tới, anh Nghĩa sẽ trình làng những tác phẩm mới có độ tinh xảo và kỹ thuật gia công cao nhằm giúp mọi người được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của từng tác phẩm.

Theo Festival Huế

5/5 - (1 bình chọn)