Khamphadisan.com – Cùng với thương cảng Hội An, làng mộc Kim Bồng nổi tiếng gần xa bởi những người thợ đi ngược xuôi đất nước xây dựng những ngôi nhà rường, nhà cổ ba gian còn lưa giữ đến ngày nay.
ảnh: sưu tầm
Làng Kim Bồng xưa kia có tên cũ là Kim Bồng Châu, nay một phần lớn thuộc xã Cấm Kim Tp.Hội An – tỉnh Quảng Nam, nơi hình thành nghề thủ công nổi tiếng mang tên nghề mộc Kim Bồng được xây dựng từ những năm cuối thế kỷ 15, tọa lạc ở hữu ngạn của hạ lưu sông Thu Bồn chảy qua Hội An trước khi đổ ra biển.
ảnh: cungphuot.info
Bạn chỉ mất chừng 10 phút đi phà từ khu phố cổ Hội An qua làng mộc Kim Bồng thuộc xã đảo Cẩm Kim. Khi bước chân lên vùng đất này bạn đã nghe tiếng đục đẽo, khoan cắt vang lên từ hai bờ Đông Tây. Những âm thanh đó đã trở nên một phần không thế thiếu trong đời sống của người dân bao đời gắn liền với cây gỗ nơi đây.
Vùng đất Cẩm Kim nằm ở hữu ngạn hạ lưu sông Thu Bồn, Hội An khi xưa từng là một thương cảng sầm uất của xứ Đàng Trong, nhờ vậy các làng nghề tại đây như: làng gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng có cơ hội phát triển phồn thịnh.
ảnh: sưu tầm
Vốn nằm trên địa thế sông nước, thuận lợi cho việc vận chuyển bè gỗ, đóng tàu, hạ thủy, làng mộc Kim Bồng còn đưa các sản phẩm của mình theo thuyền buôn đến nhiều nước trên thế giới. Chính vì vậy mà cho đến bây giờ, các sản phẩm mộc như: bàn ghế, tủ gỗ, tượng phật,… của làng Kim Bồng vẫn được thương gia trong và ngoài nước tìm đến đặt hàng.
ảnh: sưu tầm
Kim Bồng Đông đóng tàu thuyền, Kim Bồng Tây chạm khắc gỗ để cho ra những sản phẩm còn tồn tại qua nhiều thập kỷ, mà trong đó khu phố cổ Hội An là một trong những minh chứng của một thời kỳ hưng thịnh cũng như sự tài hoa tài tình của những người thợ làng mộc Kinh Bồng.
ảnh: sưu tầm
Nhờ sự giao thoa văn hóa Đông Tây mà làng mộc Kim Bồng vẫn giữ được trong mình những nét đặc sắc riêng trong từng nét chạm khắc. Trong khi các làng mộc phía Bắc đều bị ảnh hưởng ít nhiều bởi văn hóa phong kiến phương Bắc, mang đậm dấu ấn các triều đại trong lịch sử
Thì với mộc Kim Bồng, nhẹ nhàng, mộc mạc nhưng không kém phần tinh tế là những điều du khách có thể cảm nhận từ hình ảnh phố cổ Hội An cũng như trên các sản phẩm khác. Những họa tiết hoa văn trên từng cây cột cây kèo là hình ảnh cành hoa, cây lá.
ảnh: sưu tầm
Cùng là hình ảnh con rồng nhưng dưới bàn tay của người thợ mộc Kim Bồng lại mang hình tượng tre hóa rồng, miệng ngâm hoa cười hiền hòa. Hình ảnh người nông dân hay cây tre Việt Nam cũng được đưa vào từng nét chạm khắc. Tất cả đều mộc mạc gần gũi với đời sống sinh hoạt của người dân.
Ngoài phố cổ Hội An, dấu ấn tài hoa của những người thợ mộc Kim Bồng cũng được nhìn nhận qua lịch sử xây dựng kinh thành Huế. Thuở ấy, khi triều Nguyễn quyết định đóng đô ở Huế, đã mời các thợ mộc từ vùng đất phía Nam về xây dựng. Mà lúc bấy giờ chính là mộc Kim Bồng và Vân Hà.
ảnh: sưu tầm
Kim Bồng không chỉ có nghề “mộc” mà còn có nghề “nề”, họ xây dựng lăng tẩm, đền thờ miếu mạo dọc khắp dãy đất miền Trung. Nếu người thợ mộc làm cái khung sườn thì người thợ nề sẽ đắp tường, lợp ngói để hoàn thành một ngôi nhà, đình làng.
Đến với làng mộc Kim Bồng, bạn sẽ có cơ hội được ghé thăm xưởng mộc, trực tiếp nhìn những nét chạm của người thợ tài hoa. Sản phẩm mộc Kim Bồng ngày nay tuy không được bày bán hay quảng bá ở đâu, nhưng người yêu gỗ gần xa vẫn tìm đến Kim Bồng để đặt hàng cho một ngôi nhà cổ, một bộ bàn ghế. Và đâu đó trong đô thị cổ Hội An, kinh thành Huế đang trầm mặc cùng năm tháng luôn có bóng hình tài hoa của người thợ mộc nề Kim Bồng nơi đây.
Có thể bạn quan tâm:
binhqb94(Tổng hợp – biển tập)