Khamphadisan.com – Cồn Dã Viên là một hòn đảo nhỏ nằm giữa dòng sông Hương, phía tây nam của kinh thành Huế. Cồn Dã Viên cùng với Cồn Hến nằm ở phía đông nam của kinh thành Huế được xem là hai nhân tố địa lý trong thuật phong thuỷ đã tạo nên thế “Tả Thanh Long – hữu Bạch Hổ” chầu hai bên kinh thành.
ảnh:Wikipedia
Khi xây dựng Kinh thành Phú Xuân vào đầu thế kỷ XIX, vua Gia Long cùng với các nhà quy hoạch, phong thuỷ thời đó đã chọn cồn Dã Viên làm yếu tố “Bạch Hổ” cho Kinh thành Phú Xuân (cùng với cồn Hến làm yếu tố “Thanh Long” – nằm bên trái) – theo thuật phong thuỷ thời xưa.
Cồn Dã Viên có hình dạng thoi dài hướng phía đông – tây theo hướng dòng chảy sông Hương tại khu vực này, nằm lệch về phía bờ nam dòng sông Hương, gần phường Đúc. Cũng như cồn Hến, cồn Dã Viên được hình thành từ sự bồi đắp phù sa của sông Hương; cồn có tổng chiều dài là 890m và rộng 185m, với tổng diện tích khoảng 107.970m2.
ảnh: sưu tầm
Cồn Dã Viên xuất hiện từ bao giờ thì không một ai có thể biết chính xác, nhưng trong sử sách nhà Nguyễn đều có đề cập tới cồn Dã Viên dưới thời các chúa Nguyễn. Từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), đã từng tổ chức một trận đấu giữa voi và hổ ngay tại cồn này. Trận đấu đó diễn ra vào khoảng năm 1750, và 40 con voi đã quật chết 18 con hổ dưới sự chứng kiến của chúa, các quan đại thần trong triều và các sứ giả phương Tây.
Tên chính thức của cồn Dã Viên mãi cho đến đời vua Tự Đức mới có. Tự Đức vốn là một nhà vua có tâm hồn thi sỹ, lãng mạn trong những ông vua nhà Nguyễn là người đã có công phát hiện ra vẻ đẹp quyến rũ của hòn đảo nhỏ nằm ngay trên sông Hương thơ mộng này nên đã cho người xây dựng một khu vườn ngự ở đó và đặt tên là “Dữ Dã Viên”.
ảnh: mapio.net
“Dữ Dã Viên”, nhưng người dân xứ Huế thường gọi ngắn gọn là “Dã Viên”, và cuối cùng cái tên “Dã Viên” chính thức gắn bó với những địa danh, công trình ở đây như: Cồn Dã Viên, cầu Dã Viên, nhà máy nước Dã Viên.
Sau khi khu vườn ngự được xây xong, vua Tự Đức đã viết một bài “Dữ Dã Viên ký”, vào khoảng những năm đầu của 1870. Bài ký có tổng cộng 1.413 chữ, vua Tự Đức đã mô tả diện mạo nơi này rất đẹp và hoa lệ với lầu ngắm cảnh, đường dạo, bến thuyền, bãi tắm, trường bắn và luyện tập võ nghệ…, trong một không gian xanh với vô số loài cây – hoa quý hiếm của nhân gian được sưu tầm về.
ảnh: sưu tầm
Sau khi vua Tự Đức qua đời năm 1883; triều đình nhà Nguyễn đã khủng hoảng và việc chăm sóc khu vương sa sút “Dữ Dã Viên” dần dần hoang phế. Trong một trận bão năm Thìn (1904), nơi này cùng với cây cầu Trường Tiền đã bị phá huỷ nặng. Sau này người dân ở phường Đúc đã lên canh tác và định cư trên cồn.
Vào năm 1908, tuyến đường sắt Huế – Quảng Trị được xây dựng và cây cầu Bạch Hổ – Dã Viên được bắc qua cồn. Sau này, vào năm 1957, hệ thống tháp nước Dã Viên được xây dựng và tất cả những sự thay đổi này đã xóa nhòa đi hình ảnh về một khu vườn ngự trong quá khứ và hiện nay chi còn lại một cái tên “Dã Viên”.
Có thể bạn quan tâm:
- Đến Huế chiêm ngưỡng Thần Oai vô địch thượng tướng quân
- Chùa Diệu Đế danh lam của vùng đất kinh kỳ
- Cầu Trường Tiền – “chiếc lược ngà” trên dòng Hương Giang
binhqb94