Khamphadisan.com – Trong hàng chục công trình cung điện ở khu vực Hoàng thành, điện Thái Hòa là ngôi điện lớn nhất, đẹp nhất, chiếm một vị trí trang trọng nhất. Nếu như cổng Ngọ Môn được xem là gương mặt của Đại Nội Huế, thì điện Thái Hòa chính là trái tim, bởi đây là nơi đặt ngai vàng – ghế rồng của vua, là biểu tượng của quyền lực của người đứng đầu giang sơn.
Ý nghĩa của cái tên “Thái Hòa” như một tiêu chí, một ước nguyện của các vua nhà Nguyễn về một nền thái bình no ấm, đất nước và vương triều đều phát triển, thịnh vượng.
ảnh: gvanowen
Được vua Gia Long cho khởi công xây dựng vào tháng 2/1805 đến tháng 10/1805 thì hoàn thành, điện Thái Hòa chính là một trong những công trình, kiến trúc tiêu biểu nhất của kiến trúc cung đình Huế với lối kiến trúc “trùng thiềm điệp ốc” (có nghĩa là hai bộ mái trên một mặt nền), trang trí kèm theo pháp lam, trên được lợp ngói Hoàng Lưu Ly.
ảnh: jizo3d
Ngoài ra điện Thái Hòa còn có hệ thống gồm 80 chiếc cột bằng gỗ lim được sơn son thếp vàng, được trang trí các hoa tiết rồng mây cùng với lối bày trí “Nhất thi nhất họa” với hàng trăm bài thơ viết bằng chữ Hán trên các ô hộc ở phần liên ba, đố bản phía bên trong điện và trên dải cổ diêm ở mái đã đem lại nét duyên dáng cho công trình đồ sộ này.
ảnh: sưu tầm
Đặc biệt, bên trong điện Thái Hòa, phía trên ngai vàng của vua là bức bửu tán được trang trí 9 con rồng được thếp vàng rực rỡ do nghệ danh Phan Văn Tánh làm ra cùng thời gian với bức Cửu Long Ẩn Vân được trang trí tại Cung Thiên Định tại Ứng Lăng của vua Khải Định.
Với sự kiện vua Gia Long đã chính thức đăng quang tại đây, điện Thái Hòa đã chính thức trở thành nơi vô cùng ý nghĩa với sự khởi nguồn của một vương triều. Và sau này, tất cả các vị vua kế vị đều lên ngôi ở điện Thái Hòa.
ảnh: Lê Huy Hoàng Hải
Từ thời gian đầu lập nên triều đại cho đến những triều vua cuối cùng của nhà Nguyễn, điện Thái Hòa là nơi thiết triều của vua cùng văn, võ đại thần. Đây cũng là nơi cử hành các nghi lễ long trọng của triều đình, thường kỳ hoặc bất thường như: lễ Đăng quang (lên ngôi), lễ Vạn thọ (sinh nhật của vua), lễ Tứ tuần hoặc Ngũ tuần đại khánh tiết (mừng thọ vua), lễ Hưng quốc khánh niệm (ngày Quốc khánh)… Điện Thái Hòa cũng là nơi tiếp đón chính thức sứ thần các nước, là nơi thực hiện các nghi thức ngoại giao… Và hầu như tất cả mọi sự kiện quan trọng nhất của hoàng tộc hay của vương triều và đất nước đều bắt nguồn từ ngôi điện này.
ảnh: thuyngan
Từ Ngọ Môn – cổng chính của Hoàng thành ở phía nam, qua cầu Trung Đạo bắc qua hồ Thái Dịch, qua 3 cấp sân Đại Triều là tới điện Thái Hòa. Đó là công trình đầu tiên trong hệ thống các công trình trong Hoàng thành xét về mặt vị trí. Từ khi được khởi dựng và trong suốt hơn hai trăm năm tồn tại, điện Thái Hòa đã có nhiều thay đổi, nhiều lần được trùng tu, nâng cấp.
Tuy qua nhiều lần thay đổi nhưng về cơ bản, kiến trúc, cấu trúc và hình thái, cốt cách công trình điện Thái Hòa vẫn được bảo lưu, đặc biệt là kết cấu và nghệ thuật trang trí. Nhà trước và sau của điện Thái Hòa được nối liền trên một mặt nền, với hệ thống vì kèo phụ thứ ba ở bước cột chung, đỡ một hệ thống trần gỗ uốn cong lên, được gọi là “trần vỏ cua”. Bên trên hệ thống trần này không có mái mà là một máng đồng rất lớn để hứng nước mưa thu từ mái sau của nhà trước và mái trước của nhà sau.
Mái điện Thái Hòa được chia làm ba tầng. Đó là một thủ pháp của những nhà kiến trúc thời Nguyễn nhằm làm giảm độ lớn, sự đồ sộ của mái; tạo nên yếu tố nhẹ nhàng và duyên dáng cho công trình. Tầng trên cùng (ở cả nhà trước và nhà sau) là mái thượng, có hai diện mái trước – sau; tiếp đến là mái hạ có bốn diện mái bốn phía; cuối cùng là tầng mái hiên có một diện mái, và chỉ chạy ở 7 gian giữa, không kéo dài đến hai chái.
Nội thất điện Thái Hòa rộng thênh thang được sơn son thếp vàng lộng lẫy. Ngai vàng được đặt trên bục gỗ ba tầng, thuộc khu vực chính giữa của chính điện. Phía sau ngai vàng là một hệ thống đố bản ngăn cách với phía sau, có các cửa đi ở giữa và hai bên.
ảnh: zing.vn
Điện Thái Hòa, cũng như nhiều công trình kiến trúc cung đình ở Huế, vừa có vẻ uy nghiêm trầm mặc bởi hình dáng kiến trúc, nhưng không u tịch buồn bã bởi màu sắc tươi tắn. Công trình luôn được kết hợp hài hòa các yếu tố trong phương thức tổ hợp tạo hình: tỉ lệ, nhịp điệu, đặc rỗng, tương phản… cùng màu sắc, trang trí trên công trình; và trong cả mối quan hệ với không gian ngoại thất, cây xanh cùng thiên nhiên.
ảnh: tranthaihoa photo
Điện Thái Hòa là một công trình tiêu biểu trong hệ thống kiến trúc cung đình Huế cũng như các kiến trúc cung điện nói riêng của Hoàng thành. Ở đây hội tụ gần như tất cả những tinh hoa về nghệ thuật kiến trúc – trang trí, kỹ thuật xây dựng của thời Nguyễn, tạo nên một phong cách rất đặc trưng của Huế. Có thể nói điện Thái Hòa là đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc cung đình Huế.
Đây là một phần của Kinh thành Huế và cùng các di tích khác thuộc cụm Quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới năm 1993.
Có thể bạn quan tâm:
- Khám phá những điều mà bạn chưa biết về Huế
- Cung An Định – vẻ đẹp của sự giao thoa giữa hai nền văn hóa
- Kinh nghiệm du lịch Huế
binhqb94 (Tổng hợp – biên tập)
Theo: Du lịch Huế / TTBTDTCĐ