Lăng Vạn Vạn là khu lăng mộ của một bà hoàng thái hậu triều Nguyễn. Tên thật của bà là Dương Thị Thục (1868 – 1944). Bà là vợ của vua Đồng Khánh (trị vì: 1885 – 1889), mẹ của vua Khải Định (trị vì: 1916 – 1925) và là bà nội của vua Bảo Đại (trị vì: 1926 – 1945). Di tích này tuy cách Kinh Thành Huế không xa nhưng lại nằm vào một nơi hẻo lánh ít được mấy ai biết đến. Sự lựa chọn địa điểm để xây dựng khu lăng mộ này là một trường hợp cá biệt so với những lăng tẩm khác của các “đế” và “hậu” trước cũng như sau đó.
Dưới triều Nguyễn, làng Vạn Vạn thuộc đất Cù Bạc xứ, làng An Cựu Tây, tổng An Cựu, huyện Hương Thủy, phủ Thừa Thiên. Ngày nay, nó thuộc về đất của thôn Tam Tây, xã Thủy An, thành phố Huế. Dưới đây xin nói qua đôi nét về tên của lăng, lịch sử xây dựng và bảo tồn, cùng giá trị kiến trúc của nó.
1. Nguồn gốc cái tên lăng Vạn Vạn
Theo sử sách triều Nguyễn, tên chữ chính thức của các lăng tẩm vua chúa và lăng mộ các bà vợ của họ đều do triều đình đặt, và bao giờ cũng có một hoặc hai chữ giống nhau trong tên lăng của “đế” và “hậu” để nói lên sự liên quan chồng vợ giữa ông và bà.
Ví dụ:
* Lăng của chúa Nguyễn Hoàng là Trường Cơ Lăng; lăng vợ của vị chúa này là Vĩnh Cơ Lăng.
* Lăng của chúa Nguyễn Phúc Tần là Trường Hưng Lăng; lăng vợ của vị chúa này là Vĩnh
Hưng Lăng.
* Lăng của vua Tự Đức là Khiêm Lăng; lăng vợ của vị vua này là Khiêm Thọ Lăng.
Lăng vua Đồng Khánh đã được đặt tên là Tư Lăng (思陵).(1) Lúc sinh thời, vua Đồng Khánh có hai bà hoàng hậu. Bà thứ nhất là Nguyễn Thị Nhàn (1870 – 1935), thường gọi là bà Thánh Cung. Sau khi bà mất vào năm 1935, lăng của bà được đặt tên là Tư Minh Lăng (思明陵). Bà thứ hai là Dương Thị Thục, thường gọi là bà Tiên Cung. Sau khi bà mất vào năm 1944, triều đình cũng dựa theo thông lệ truyền thống nói trên để đặt tên cho lăng của bà là Tư Thông Lăng.(2) Tên lăng của hai bà đều có chữ Tư của tên lăng Đồng Khánh, và được lót thêm chữ Thông và chữ Minh cho từng lăng ấy.
Đó là ý nghĩa của tên gọi Tư Thông Lăng.
– Về tên gọi lăng Vạn Vạn: tên lăng Vạn Vạn cũng được gọi theo một thông lệ truyền thống khác dưới triều Nguyễn. Các vua triều Nguyễn như vua Gia Long, vua Minh Mạng, vua Tự Đức, vua Khải Định, đã cho xây dựng lăng tẩm của mình khi còn trên ngai vàng. Các vua cũng thường xây dựng sinh phần cho mẹ (hoàng thái hậu) hoặc bà nội (thái hoàng thái hậu) của mình khi các bà còn sống.
Bấy giờ, triều đình đã dùng những thuật ngữ khác nhau để phân biệt ý nghĩa của nơi đang xây lăng vua, nơi đang xây lăng của mẹ vua và nơi đang xây lăng của bà nội vua.
* Khu đất tốt được chọn để xây lăng vua thì triều đình gọi là ngôi đất Vạn niên cát cục hoặc Vạn niên cát địa. Do đó đã có câu ca dao xuất hiện khi đang xây lăng Tự Đức: “Vạn niên là vạn niên nào. Thành xây xương lính hào đào máu dân”.
* Khu đất tốt dùng để xây lăng mẹ vua thì được triều đình gọi là ngôi đất Vạn vạn niên cát địa hoặc Vạn vạn niên cát cục (có đến hai chữ vạn).
* Còn khu đất tốt được chọn để xây lăng cho bà nội thì triều đình thêm một chữ đại nữa vào các nhóm từ ấy, thành ra Vạn vạn niên đại cát địa hoặc Vạn vạn niên đại cát cục.(3)
Sau khi vua hoặc các bà hoàng ấy thăng hà và chôn cất xong, triều đình mới đặt tên chữ một cách chính thức cho từng khu lăng tẩm của họ.
Trở lại trường hợp của bà Tiên Cung Dương Thị Thục, bà đã từng được phong là Hoàng Thái Phi năm 1916, rồi Hoàng Thái Hậu năm 1924 dưới thời Khải Định (1916 – 1925), và sau đó, lại được tôn phong là Thái hoàng Thái Hậu vào năm 1933(4) dưới thời Bảo Đại (1926 – 1845). Mãi đến năm 1944, bà mới mất. Cho nên, nếu khu đất được chọn để xây lăng cho bà dưới thời Khải Định thì được gọi là Vạn vạn niên cát địa; còn nếu công việc ấy được thực hiện dưới thời Bảo Đại thì khu đất này được gọi là Vạn vạn niên đại cát địa. Như vậy, dù lăng của bà được xây dựng trong giai đoạn nào trong hai thời vua đó, nó cũng có từ đôi “vạn vạn” trong tên gọi cả. Nhưng, vì cả hai danh xưng ấy đều quá dài và tên chữ của nó cũng khó nhớ, cho nên, từ bấy giờ đến nay, người ta chỉ gọi tắt là lăng Vạn Vạn mà thôi.
2. Lịch sử xây dựng và quá trình bảo tồn
Chúng tôi chưa tìm thấy tư liệu thành văn nào cho biết một cách chính xác thời điểm xây dựng lăng Vạn Vạn. Nhưng, theo một chứng nhân lịch sử là ông Dương Quang Tùng thì lăng này đã được chọn lựa địa điểm, quy hoạch và xây dựng dưới thời vua Khải Định (1916 – 1925). Ông Tùng sinh năm 1931, năm nay 72 tuổi, hiện còn sống ở Huế. Ông Dương Quang Tùng gọi bà Dương Thị Thục bằng cô ruột. Ông là con của ông Dương Quang Lược, em trai của bà Tiên Cung. Ông Tùng đã được bà Tiên Cung cho vào ở với bà tại cung Trường Sanh (trong Hoàng thành Huế) từ năm ông mới 2 tuổi cho đến khi bà mất vào năm 1944.
Ông kể rằng bà Tiên Cung mất vào ngày mồng 2 tháng Tám năm Giáp thân (18.9.1944).Quan tài của bà được quàn tại cung Trường Sanh trong khoảng một tháng, đến tháng Chín âm lịch năm ấy, triều đình mới tiến hành lễ ninh lăng (tức là đưa đám). Ông Tùng nhớ rõ rằng khi triều đình và hoàng tộc đưa quan tài đến lăng Vạn Vạn thì các công trình kiến trúc ở đây đã hoàn chỉnh trước rồi. Họ chỉ còn một việc là đưa quan tài vào dưới thạch thất (nhà bằng đá) trong lăng bằng đường toại đạo, rồi hạ một tảng đá lớn xuống đó để chặn kín con đường hầm này nữa là xong.
Từ đó, việc quản lý và chăm sóc khu lăng này thuộc về triều đình. Triều đình có cho xây dựng một binh xá (nhà lính) 3 gian 2 chái bằng gỗ ở bên trái trong khuôn viên của lăng để một số lính hộ lăng ăn ở trực giác. Nhưng, kể từ khi triều Nguyễn cáo chung vào năm 1945 và Huế trải qua các biến động lịch sử, ngôi nhà bị bỏ hoang, rồi tàn tạ vào những năm đầu thập niên 1950.
Từ năm 1945 cho đến bấy giờ, lăng Vạn Vạn dường như không được cơ quan nhà nước nào quản lý. Nhưng, từ năm 1953 đến năm 1955, Ủy ban Trị sự Nguyễn Phước tộc (hậu thân của Tôn Nhơn Phủ) mà lãnh đạo tinh thần là bà Từ Cung (mẹ của vua Bảo Đại) phối hợp với chính quyền tỉnh Thừa Thiên, cử bốn nhân viên thuộc ngành Bảo tồn di tích tại địa phương trực tiếp lo việc bảo quản lăng Vạn Vạn. Bốn nhân viên đó là:
– Ông Lê Thùy (năm nay đã 82 tuổi, nhà hiện ở gần lăng).
– Ông Võ Văn Cam (năm nay 74 tuổi, nhà hiện nay cũng ở gần lăng).
– Ông Phạm Em (Mất vì bom hồi tết Mậu thân, 1968).
– Ông Dương Quang Tùng (năm nay 72 tuổi như đã nói ở trên).
Bấy giờ, họ đều ở tại nhà riêng và phân công nhau đi lại chăm sóc lăng hàng ngày.
Trong 20 năm từ 1955 đến 1975, nhất là thời Ngô Đình Diệm (1955 – 1963), việc quản lý lăng này hầu như bị bỏ ngỏ. Tuy nhiên, diện tích đất đai thuộc phạm vi lăng Vạn Vạn vẫn còn nguyên vẹn, chưa ai xâm phạm vào vùng đất quan phòng được giới hạn bằng một hệ thống trụ cấm vốn có từ khi xây lăng. Trong giai đoạn đó, kiến trúc lăng chỉ bị hư hỏng tương đối nhẹ ở một số bộ phận vì mấy quả đạn súng cối trong chiến lược Tết Mậu thân. Ngay sau khi xảy ra chiến cuộc 1968 ấy, bà Từ Cung đã xuất tiền cho mua xi – măng vá víu lại một cách sơ sài vài nơi bị xáo xới và sứt vỡ, như lát lại gạch ca – rô tại một khoảng ở tầng sân trên cùng, tô trát một mảng mỏng và một mảng tường thành ở phía trước Bửu Thành, chỗ gần một quả đạn nổi.
Theo ông Võ Văn Cam, một chứng nhân đã và đang sống tại chỗ, từ năm 1975 đến những năm cuối thế kỷ XX, hàng chục ngôi nhà của dân chúng đã mọc lên bên trong phạm vi đất cấm hạn của lăng Vạn Vạn và sự lấn chiếm đất đai đã tiến vào gần sát với kiến trúc chính của nó như chúng ta đang thấy hiện nay.
Để ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đáng tiếc ấy và để cứu vãn phần nào sự hoang phế của khu vực lăng này, vào cuối năm 2002, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã ký hợp đồng với ông Võ Văn Cam để nhờ ông coi sóc và bảo vệ lăng Vạn Vạn (với lương hợp đồng là 283.000 đồng/tháng). Đến nay, tình trạng vệ sinh môi trường ở đó đã có vẻ khả quan hơn so với trước đây, nhưng vẫn còn rất nhiều việc mà ngành bảo tồn di tích cần phải làm.
3. Giá trị lịch sử và nghệ thuật kiến trúc của lăng Vạn Vạn
Nằm trong một diện tích đất quan phòng khoảng 6 ha, lăng Vạn Vạn là một công trình kiến trúc lăng mộ có quy cách, có giá trị lịch sử và nghệ thuật.
So với những lăng mộ của các bà hoàng hậu khác dưới thời Nguyễn, lăng Vạn Vạn có quy mô kiến trúc tương đối lớn. Ngay cả so với ngôi lăng mộ của bà Thánh Cung ở gần lăng Đồng Khánh, khu lăng mộ của bà Tiên Cung cũng bề thế hơn nhiều, kể cả mặt bằng xây dựng, quy mô công trình lẫn diện tích khuôn viên. Khu lăng mộ này cũng đặc biệt ở chỗ nó nằm ở vùng đồng bằng chứ không phải là tại vùng núi đồi như những khu lăng tẩm khác của các “đế” và “hậu” triều Nguyễn. Lăng Vạn Vạn tọa lạc tại địa điểm chỉ cách Kỳ Đài (được xem là tọa độ trung tâm của Kinh thành Huế ngày xưa và của thành phố Huế ngày nay) khoảng 3,2 km đường chim bay về phía đông nam.
Theo lời kể của một số người lớn tuổi hiện sống ở Huế thì sở dĩ khu lăng tọa lạc ở đây là vì các thầy địa thời Khải Định đã căn cứ vào thuật Phong thủy để chọn vị trí và phương hướng một cách kỹ càng. Có một lời truyền ngôn liên quan đến việc chọn lựa địa điểm xây dựng khu lăng mộ này:
“Cù Bạc xứ nhất huyệt
Công hầu đợi đợi bất tuyệt”
Nghĩa là: Chọn được huyệt mộ ở cứ Cù Bạc thì con cháu mãi có được tước công, tước hầu.
Trục chính của khu lăng mộ chạy theo hướng tây bắc – đông nam. Hậu chẩm là núi Ngự Bình ở xa xa về phía sau. Trước mặt lăng có một dòng nước chảy qua được dùng làm yếu tố minh đường của làng. Dòng nước này, dân địa phương gọi là cái hói, bắt nguồn từ vùng cận sơn, chảy qua Cống Bạc ở Quốc lộ 1A và đổ nước ra sông An Cựu.
Phía trước mặt bằng xây dựng của lăng còn xây một bức bình phong hình cuốn thư khá lớn dùng làm tiền án. Hai bên bình phong là hai trụ biểu rất đồ sộ. Phía sau bình phong và hai trụ biểu còn có một cái hồ hình chữ nhật (32 m x 20,15 m) với diện tích 644,80 m2, được dùng làm yếu tố nội minh đường của lăng. Hồ được kê bằng đá chẻ khai thác từ mặt sân xuống mặt nước của hồ thì được xây bằng gạch vồ trát vữa xi – măng. Hai bên sân trước của lăng, có thiết trí hai hệ thống dã sơn bằng đá để biểu tượng cho hai yếu tố tả long, hữu hổ. Nhìn chung, lăng Vạn Vạn đã được chọn lựa vị trí và quy hoạch theo các nguyên tắc Phong thủy một cách chặt chẽ và nghiêm túc.
Phần kiến trúc quan trọng nhất của lăng được xây dựng trên một gò đất cao khoảng 4 m so với mặt đất thường. Đây là Huyền Cung, được xem là trọng địa số một trong toàn thể khu vực. Được bao bọc bằng Bửu Thành, nó nằm ở vị trí trung tâm của khuôn viên. Từ bờ hồ, người ta phải đi qua ba tầng sân liên tiếp nhau vào xây cao dần mới lên đến Huyền Cung. Có lẽ khi xây dựng lăng, người ta đã lấy đất đào hồ để đắp thành cái gò cao ấy và tạo ra các tầng sân vừa nói. Chung quanh thành được xây ốp bằng đá để giữ đất khỏi bị sạt lở. Mặt của ba tầng sân đều lát gạch ca – rô đúc bằng xi – măng. Chung quanh các sân có xây lan can trang trí hoa văn hình chữ vạn cùng các loại hoa văn khác và bổ trụ chắp hình hoa sen trên đỉnh mỗi trụ. Ở hai bên trái và phải của gò đất, về phía trước, người ta còn xây hai hệ thống bậc cấp để bước lên lối đi vòng quanh bên ngoài bửu thành. Bọc quanh bên ngoài lối đi ấy là một hệ thống lan can xây cao 0,80 m.
Riêng khu Huyền Cung có mặt bằng hình chữ nhật với diện tích khoảng 400 m2, chung quanh được bao bọc bởi hai vòng thành đồ sộ: vòng ngoài cao 4,5 m, dày 0,76 m; vòng trong cao 3 m, dày 0,6 m, xây bằng gạch vồ và xữa xi – măng. Ở các góc của cả hai vòng thành đều được bổ trụ và chắp hình hoa sen. Người ta đi vào khu Huyền Cung bằng một cửa xây duy nhất ở mặt tiền, thường được gọi là Bửu Thành Môn. Cửa chỉ trổ một lối đi hình vòm, bên trên xây hai tầng mái giả. Ở cuối các bờ mái và bờ quyết đầu trang trí hình con phụng ngoái đầu chầu vào hình trong mặt trời đặt trên đám mây được chắp ở chính giữa bờ nóc. Khắp các mặt của các trụ cửa, trán cửa, cổ diêm đều được phân khoảng thành những ô hộc và đắp nổi rất nhiều đề tài trang trí cổ điển.
Bước vào khỏi cửa, người ta đối diện ngay với một bức bình phong hình cuốn thư được xây với những đường nét uốn lượn rất mềm mại và được trang trí hết sức phong phú với các đề tài bát bửu, tứ thời…, nhưng diện tích chính của mặt trước là những chữ vạn thọ cách điệu, và diện tích chính của mặt sau là hình ảnh hai con chim phụng hoàng đang vờn mây. Ngay sau bức bình phong ấy là lối vào bên trong thành thứ hai. Lối vào tương đối hẹp, chỉ đo được 2,05 m. Bước qua khỏi lần cửa thứ hai này, được trổ ra một cách đơn giản với hai trụ xây ở hai bên lối đi, người ta mới thật sự vào tới địa phận chính của Huyền Cung.
Ở chính giữa là ngôi mộ bằng đá, được cấu tạo giống như một ngôi nhà nho nhỏ, dựng trên một cái nền gồm bốn bậc được xây giật cấp. Bốn góc nền đều có lan can bổ trụ chắp hình hoa sen và trang trí tám cặp trái cây: đào tiên, mảng cầu, xoài, lựu. Bốn mái nhà mới trông như được lợp ngói âm dương, nhưng thật ra, người xưa đã tạo hình trên những phiến đá lớn. Cuối hai bờ nóc và các bờ quyết đều là hình ảnh những con phụng quay đầu lại. Chính giữa bờ nóc và các bờ quyết đều là hình ảnh những con phụng đang bay trong mây, miệng ngậm dây đeo bộ cổ đồ thư kiếm. Hai mặt trái phải đều được trang trí từng đôi phụng hoàng cũng đang bay trong mây, nhưng quay đầu chầu vào vòng tròn lưỡng nghi (âm dương) ở giữa. Còn ở tám mặt trụ tại bốn góc nhà thì được trang trí các đề tài liễu mã (cây liễu và con ngựa), tiêu tượng (cây chuối và con voi), tùng lộc (cây thông và con nai), mai điểu (cây hoa mai và con chim)…
Ở sát mặt trước của ngôi thạch thất ấy và gắn liền với nền của nó các nghệ nhân xưa đã thiết trí một hương án hình khối chữ nhật (dài 1 m, rộng 0,65 m, cao 0,88 m) được lắp ghép từ 3 phiến đá (dưới 2, trên 1). Khối đá được chạm trổ thành một cái bàn, bốn chân mang dạng sập gụ trổ chân quỳ, với các mặt chung quanh đều là những hình ảnh trang trí rất phong phú, đặc biệt nhất là ở mặt trước: trong một khung hình thuẫn, chạm nổi cặp phụng hoàng vờn nhau một cách thân mật như đang âu yếm.
Tất cả các thành phần kiến trúc và các hình ảnh vừa nói đều làm được bằng đá: loại đá thanh từ Thanh Hóa hoặc loại đá trắng từ Quảng Nam. Dù đây là vật liệu rất cứng, nhưng các nghệ nhân thời bấy giờ đã chạm trổ, tỉa tót một cách công phu và tỉ mỉ, thể hiện nên những hình ảnh sống động và duyên dáng với những đường nét hết sức mềm mại và tự nhiên. Sở dĩ người ta dùng vật liệu đá ở đây vì từ thạch thất đến hương án đều là lộ thiên, cần có sức bền vững lớn để chịu đựng với mưa nắng, gió bão. Đây là những tác phẩm có giá trị cao về phương diện mỹ thuật, đặc biệt nhất là thuộc lĩnh vực trang trí bằng điêu khắc trên đá. Và ở cuối sân của khu trọng địa này là tấm bình phong hậu mang dạng hình cuốn thư. Nó được làm bằng vật liệu gạch tô xi-măng và xây gắn vào giữa mặt thành phía sau thuộc vòng thành trong của Bửu Thành. Diện tích chính của tấm bình phong được trang trí hình chữ thọ cách điệu ở giữa và bốn con dơi ở bốn góc, thể hiện đề tài “ngũ phúc” (thọ, phú, khang ninh, du hiếu đức, khảo chung mạng). Ở hai phần còn lại nằm ở hai bên diện tích chính ấy, người ta còn trang trí các đề tài cổ điển khác được phân khoảng thành từng dải chạy dọc và đối xứng nhau từng cặp. Tất cả các hình ảnh ấy đều được đắp nổi bằng xi-măng với những đường nét chắc khỏe.
Nhìn chung, những gì được xây dựng và trang trí ở khu Bửu Thành và Huyền Cung đều toát lên vẻ trang nghiêm nhưng giàu chất nghệ thuật dành cho một người đàn bà quyền quý thuộc vào bậc mẫu nghi trong thiên hạ.
So với những Huyền Cung, nhất là những thạch thất trong đó của các “đế” và “hậu” khác của triều Nguyễn, như thạch thất “càn khôn hiệp đức” của vua Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu, của vua Tự Đức, của vua Đồng Khánh, của bà Thánh Cung, thì thạch thất của bà Tiên Cung ở lăng Vạn Vạn là đặc biệt nhất xét về mặt cấu trúc và trang trí.
Như vậy, nếu các công trình kiến trúc thời Khải Định với loạt vật liệu xây dựng mới là xi-măng cốt thép và với hình thức trang trí công phu, tinh xảo, phong phú (đến độ dày đặc, rườm rà) đã để lại một dấu ấn khác lạ trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam nói chung và triều Nguyễn nói riêng, thì lăng Vạn Vạn cũng là một trong những di tích tiêu biểu và cụ thể thuộc giai đoạn lịch sử đó.
Với việc chọn lựa địa điểm và áp dụng các nguyên tắc phong thủy để xây dựng lăng, và với các giá trị nghệ thuật kiến trúc cũng như trang trí của nó, di tích này cũng thể hiện đầy đủ hiếu đạo truyền thống của một ông vua nhà Nguyễn đối với người mẹ đã sinh ra mình.
Mặc dù lăng Vạn Vạn lâu nay ít được quan tâm giữ gìn vì những lý do khác nhau, nhưng với những giá trị lịch sử và kiến trúc, nói chung là giá trị văn hóa, như vừa giới thiệu vắn tắt trên đây, di tích này xứng đáng được xếp hạng, bảo tồn và phát huy tác dụng nhiều lăng tẩm của triều Nguyễn ở Cố đô Huế.
Bài: PHAN THUẬN AN
Ảnh: NGUYỄN TẤN ANH PHONG
***
CHÚ THÍCH
(1) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (thời Duy Tân), bản chữ Hán, quyển Kinh sư, tờ 26a-32a.
(2) Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc, Nguyễn Phúc tộc thế phả, (Huế: Thuận Hóa, 1995), tr 378-379.
(3) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch của Viện Sử học, (Hà Nội: Khoa học xã hội, 1964), Tập VIII, tr 60; Tập XXX, tr 131; Tập XXXVII, 1977, tr 281; Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên, bản chữ Hán (tư liệu của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế), quyển 45, tờ 16a, 24a, 25a.
(4) Souverains et Notabilités d’Indochine, Phủ Toàn quyền Đông Dương biên soạn và ấn hành, Hà Nội, 1943, tr 5.