Chùa Từ Hiếu hay Tổ đình Từ Hiếu được xây dựng từ Am An Dưỡng tọa lạc tại thôn Dương Xuân Thượng 3 – xã Thủy Xuân – Tp.Huế. Chùa Từ Hiếu là một trong những ngôi cổ tự lớn và là một trong những ngôi chùa nổi tiếng của xứ Huế.

Vị trí, lịch sử hình thành và quá trình phát triển

Chùa Từ Hiếu nằm khuất trên một rừng thông tại núi Dương Xuân phường Thủy Xuân, thành phố Huế cách kinh thành 5km về phía Tây Nam. Chùa xây theo hướng Đông Nam lấy núi Ngự Bình làm tiền án. Diện tích khuôn viên khoảng 4.8 ha, mật độ xây dựng chỉ 15% trên tổng diện tích.

Chùa được xây dựng vào năm 1843, lúc đầu do Hòa thượng Tánh Thiên – Nhất Định(1) xây thảo am An Dưỡng để tịnh tu và nuôi mẹ già khi ngài đã 60 tuổi. Khi đó vùng đất này là nơi núi rừng âm u, người ở thưa thớt, thú rừng hoang dã còn hoành hành.(2) Ngài Nhất Định nổi tiếng là một người con có hiếu, được vua Tự Đức cảm phục nên ban cho “Sắc tứ Từ Hiếu tự”, cho nên cái tên Từ Hiếu gắn liền với chùa đến bây giờ.

chua tu hieu khamphadisan 5

Tên gọi Từ Hiếu được vua Tự Đức ban ngay năm vừa lên ngôi gắn liền với câu chuyện hiếu thảo phụng dưỡng mẹ của Hòa thượng Nhất Định và cũng cùng với suy nghĩ, quan niệm luôn được nhà vua đề cao “mẫu từ tử hiếu” của Khổng giáo. Mặt khác, điều đó càng thêm ý nghĩa với sự giải nghĩa theo quan niệm Phật giáo của Thượng Thư Nguyễn Đăng Giai: “Phù, Từ giả Phật chi đại đức dã, phi từ vô dĩ tiếp tử sinh, tế vạn loại; Hiếu giả Phật chi thủ hạnh dã, phi hiếu vô dĩ quán thiên địa, đạt u minh”.(3)

Năm 1848 Hòa thượng Hải Thiệu – Cương Kỷ(4) bắt đầu xây dựng chùa quy mô lớn hơn với sự hỗ trợ của triều đình và các quan thái giám cùng Phật tử. Khi chùa được làm xong, vua Tự Đức ban biển “Sắc tứ Từ Hiếu tự” và cấp thêm 700 quan tiền để lạc thành. Các thái giám xin Hiệp biện Đại học sĩ lãnh Thượng thư Hình Bộ Nguyễn Đăng Giai làm bài văn “Sắc tứ Từ Hiếu tự bi ký” khắc vào bia đá năm Tự Đức thứ 2. Đến 50 năm sau, đời vua Thành Thái thứ 6 (Giáp Ngọ – 1894), ngài Cương Kỷ lại đứng ra trung tu chùa khang trang hơn.

Các vị kế thế trú trì chùa Từ Hiếu như ngài Huệ Đăng – đệ tử ngài Cương Kỷ, nhưng do mất sớm trước cả bổn sư 7 năm nên cũng không có trùng tu gì. Tiếp đến là ngài Thanh Ninh – Tâm Tịnh (đệ tử ngài Hải Thuận Lương Duyên trú trì chùa Báo Quốc) được kế vị chùa Từ Hiếu, nhưng sau 5 năm ngài lại từ chức để đi vân du hóa đạo, sau này lập chùa Tây Thiên Di Đà tự vào năm Thành Thái thứ 14 (1902). Giai đoạn này, cũng có đợt trùng tu qui mô lớn cuối thế kỷ XIX, gắn liền công lao của vị thái giám Hồ Xuyên người làng Nguyệt Biều.

Ngài Thanh Thái – Huệ Minh (1861- 1938) đệ tử ngài Cương Kỷ được cung thỉnh trú trì, đến năm Bảo Đại thứ 6 (1931 – Tân Mùi), ngày 5 tháng 7, ngài đã đứng ra khởi công toàn diện trùng tu chùa, nhưng kết cấu điện chính bằng gỗ vẫn được giữ nguyên. Nên khi Hòa thượng Thanh Quý – Chơn Thiệt (1884 – 1968) kế thế trú trì đã cho trùng tu xây dựng lại chùa vào khoảng năm 1962. Và cho đến nay, chùa vẫn được giữ gần như nguyên vẹn và chỉ xây dựng thêm các đơn nguyên khác, phục vụ nhu cầu tu học, phật sự của tăng chúng trong chùa.

Trải qua nhưng thăng trầm, đổi thay cùng với chiến tranh khốc liệt, chùa Từ Hiếu vẫn hiện hữu trong tâm trí người dân xứ Huế hôm nay bằng một bức tranh cảnh quan độc đáo, đắm mình trong thiên nhiên xanh mướt, rì rào tiếng thông reo. Là nơi trở về của chốn tổ, là trọng huyệt khai thông làm cho các dòng thiền Phật giáo Huế được tiếp nối và phát triển ở cõi Thuận Hóa qua những vị Lương Đống Hải Thuận – Lương Duyên, Hải Thiệu – Cương Kỷ và Hải Toàn – Linh Cơ. Ngoài ra, chùa là một trong những nơi lưu giữ, ấn hành kinh luật của sơn môn Huế mà hiện nay vẫn còn được tàng bản.(5)

26070903 144919129559664 6971079208168587264 n e1543306603291

Kiến trúc, cảnh quan vườn chùa

Cái chất “chùa Huế” ở chùa Từ Hiếu thể hiện ở vị trí cảnh quan và môi sinh vườn chùa. Không một ngôi chùa nào ở Huế có cảnh trí thiên nhiên đậm chất “thiền”, thể hiện tinh thần nhà Phật rõ nét như vậy. Môi sinh chùa trong lành, thoáng đãng, sạch sẽ. Chùa nằm trên một đồi thông rộng lớn, thiên nhiên vườn rừng sẵn có là một lợi thế, nên các vị sư tổ hầu như không thay đổi, tác động nhiều về mặt cảnh quan. Đó chính là tinh thần “thiên nhân tương dữ” của chùa Huế. Cảnh chùa đầy cây cao, bóng mát, các cây cổ thụ lâu năm và đầy đủ chủng loại. Sau cổng tam quan là hồ bán nguyệt tĩnh lặng điểm vài bông hoa súng. Các hồ nước trong vắt mềm mại điểm thêm một vài chòi nghỉ, nhà thiền… khiến khung cảnh chùa rất hoang sơ, huyền bí.

Từ ban đầu, dưới thời Tự Đức (1848) chùa được xây dựng theo kiểu ba gian hai chái, cột kèo chạm trổ; phía sau xây Thống Hội Đường, phía trái xây Lạc Thiện Đường, phía phải xây Ái Nhật Đường; và lầu bia, lầu chuông, tăng phòng; mỗi nơi đều xây tường ngang mái ngói.(6) Đến năm Thành Thái thứ 6 (1894), tháng 8 năm Giáp Ngọ, chùa lại được trùng tu, làm rộng các tòa chính điện, là thêm tiền đường, dựng thêm nhà bia và tạo thêm hồ nước.

Đến năm Bảo Đại thứ 6 (1931) chùa được khởi công trùng tu toàn diện ngôi chùa với các đơn nguyên: thượng điện, các nhà cửa xung quanh chánh điện, nhà bia, tam quan và xây hồ bán nguyệt bằng đá.

Vào khoảng hơn 30 năm sau, những năm 1962 – 1968, chánh điện chùa được trùng tu lần nữa, làm cho ngôi chùa có nhiều thay đổi so với trước. Ngoài bộ khung sườn chính điện bằng gỗ được giữ nguyên, lại được nâng cao hơn, thoát hẳn lối kiến trúc thấp bé ngày xưa; tiền đường và cột kèo đều được đúc bằng bê-ton sắt thép, nền lát xi măng. Báo Đức đường và Trung Nghĩa đường đều được sơn quyét sửa sang. Từ đó đến nay, dù có thay đổi trong kiến trúc nhưng chỉnh thể và toàn cảnh chùa Từ Hiếu vẫn giữ được nhiều nét xưa với những kiến trúc độc đáo, đặc trưng.

Trên khảo sát hiện trạng mặt bằng tổng thể, có thể nhận thấy toàn bộ bố cục kiến trúc phân bố về phía bên trái khuôn viên, bên phải là cảnh quan vườn chùa và khu tháp mộ. Bố cục chùa đăng đối theo trục chính đạo (Trục chính đạo: trục thẳng xuyên suốt trong bố cục kiến trúc cổ để các khối kiên trúc bố trí đăng đối) xuyên suốt từ cổng tam quan đến chính điện và nhà hậu. Bố cục kiểu “chữ Khẩu kín” được hình thành từ bốn khối: chính điện, nhà hậu, nhà tăng và nhà khách. Khối chính điện luôn nằm phía trước, nhà hậu nằm phía đối diện. Hai bên là nhà khách và nhà tăng. Khoảng sân trong ở giữa bố trí cây cảnh để tạo giá trị cảnh quan, thư giãn. Xét về giá trị, bố cục chữ “khẩu” tạo nên sự cân bằng trong đơn nguyên kiến trúc, sự thuận tiện trong giao thông đi lại, đảm bảo thông thoáng và lấy sáng, giúp bảo quản đồ đạc, quan sát và quản lý đệ tử.

Các khối phụ lầu chuông, nhà ăn, bếp, nhà sách… bố trí xung quanh chữ Khẩu theo kiểu phân tán dựa trên công năng và ý đồ vị trú trì. Các đường hành lang, các khoảng sân nhỏ kết nối các khối nhà tạo thành một tổ hợp sống động. Hệ thống tháp tổ, tháp mộ tách biệt về phía bên trái chính điện để tạo sự độc lập riêng biệt; trong khi khu mộ các thái giám triều Nguyễn bố trí ngay sát bên phải chính điện.

Nhìn chung, các công trình lớn nhỏ trong chùa tuy trải qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn đồng đều và nhất quán về phong cách, màu sắc. Nổi trội có sắc xám tường gạch bị thời gian làm bạc màu, sắc xanh đen rêu phủ xen lẫn cây cỏ dại mọc hoang dày đặc trên ngói, trên tường.

 Kiến trúc các công trình chính

Cổng tam quan: xây dựng theo kiểu “tam quan 2 tầng có vọng lâu và 2 lầu giả hai bên”, cổng sâu 2m, tạo hình chắc chắn như một khối nhà che chở mưa gió đúng tinh thần nhà Phật. Cổng có tỷ lệ đường nét kiến trúc rất đẹp, gồm hai tầng, phía dưới là ba vòm ra vào. Lầu trên ngoài “vọng lâu” có thêm hai lầu giả được xây cao lên, đắp mái ngói, đắp nổi hình “long mã tải hà đồ” bằng sành sứ, thủy tinh. Phần giữa hai tầng là các ô trang trí hoa văn lồi lõm. Cách tạo hình ở chi tiết lồi – lõm trên bề mặt cổng kết hợp thủ pháp đối lập màu sắc: mảng màu nóng của chi tiết khảm sành sứ đối lập với sắc xám bạc lạnh lẽo của tường gạch. Những thủ pháp đối lập đó liên tưởng đến cấu trúc tạo hình của Champa.

chua tu hieu khamphadisan 2

Chính điện

Chính điện có tỉ lệ kích thước hài hòa vừa phải, kiểu nhà trùng thiềm của cung điện kết hợp kết cấu mỗi khối là nhà rường kiến trúc dân gian. Cách tạo hình trang trí mĩ thuật theo lối cung đình Huế. Đặc biệt ngôi chính điện vẫn còn giữ lại bộ kết cấu và vật liệu gỗ quý hiếm. Đây chính là kết quả trùng tu vào thập niên 1960 dưới thời Hòa thượng Thanh Quý – Chơn Thiệt.

Mặt đứng: Bộ mái mỏng kiểu trùng thềm lợp ngói liệt, dải ô hộc trang trí sự tích đức Phật. Các đường bờ nóc, bờ quyết gắn sành sứ tạo hình trang trí giống cung điện. Đỉnh nóc trang trí lưỡng long chầu pháp luân, một motif phổ biến trong các ngôi chùa Huế. Hàng cột hiên sơn màu nâu đen chắc chắn. Màu ngói, màu cột, bậc cấp cùng màu nội thất đồ gỗ bên trong đều chung một sắc độ tối, trầm hòa quyện tạo nên một vẻ bí ẩn, tĩnh mịch. Nổi bật trên sắc tối đó là màu sặc sỡ của mảnh sành sứ hình long mã tải hà đồ trang trí hai bên chái, hình họa tiết hoa cúc, trúc, bát bửu… Nét kiến trúc Pháp thể hiện ở hàng con tiện hành lang, ở cột vuông bê tông sơn trắng…

Theo kết quả khảo sát, cấu trúc chính điện kiểu “chính điện có tiền đường” gồm hai khối nhà: khối tiền đường ở trước và khối chính điện ở sau. Cấu trúc này xuất phát từ kiến trúc “trùng thiềm điệp ốc” (Trùng thiềm điệp ốc: để chỉ hai nhà cùng một không gian mặt bằng liên tục nhau nhưng hai nóc nhà khác nhau gồm trước là tiền đường và nhà sau là chính điện), của cung điện nhà Nguyễn. Điểm khác nhau là hai khối trong kiến trúc cung điện được nối bởi “vì vỏ cua” ở giữa. Trong khi tiền đường và chính điện liên kết nhau và giải quyết phần thoát nước giữa hai mái bằng máng đúc bê tông, thay cho vì vỏ cua.

Mặt bằng chính điện có 3 gian 2 chái, các gian rộng khoảng 3m. Mặt bằng có 36 cột gỗ đường kính 30cm bố trí trên 6 hàng ngang, dọc. Xung quanh chính điện là hàng hiên rộng từ 1,2 đến 1,5m.

Bố trí không gian: có 3 không gian: không gian tiền đường, chính điện và không gian hậu tổ liên tiếp nhau. Tiền đường để làm lễ, quỳ lạy bố trí ở trong khối tiền đường. Không gian chính điện để thờ Phật ở 2 gian đầu tiên của khối chính điện. Hậu tổ bố trí ở 2 gian cuối cùng. Đăng đối hai bên chính điện và hậu tổ là 2 chái Đông Tây được xây gạch làm nơi ở của vị trú trì chùa.

chua tu hieu khamphadisan

Về mặt kết cấu: kết cấu của tiền đường và chính điện là cấu trúc Rường của nhà truyền thống Huế. Bộ khung chùa vẫn còn giữ lại vật liệu gỗ. Hai bộ vì nóc đỡ hai mái là vì “giao nguyên – trụ đội” (Vì giao nguyên – trụ đội: Bộ vì nóc hay gặp ở cung điện Huế, sử dụng 2 kèo chính giao nhau ở đỉnh, 2 đuôi kèo cắt nhau vượt lên trên đặt đòn dông. Dưới 2 kèo là trến nhỏ gọi là ấp quả, dưới ấp quả là trụ tiêu và con đội hay con tôm), một kiểu vì nóc hay gặp ở cung điện. Khối tiền đường gồm 4 bộ vì kèo chính, mỗi bộ gồm 1 kèo tiền, 1 kèo hậu, 4 kèo hiên đỡ 3 đòn tay hiên. Chính điện có 4 bộ vì kèo chính, mỗi bộ có 2 kèo tiền và 3 kèo hậu nối với nhau theo kiểu kèo chồng.

Hiện nay, chùa đang chuẩn bị triệt hạ chánh điện, đại trùng chùa nhưng vẫn giữ lại những nét xưa trong kiến trúc độc đáo một thời của người dân xứ Huế.

Thiết trí thờ tự và một số pháp bảo khác

Thờ tự ở chùa Từ Hiếu cũng giống như bao ngôi tổ đình khác ở xứ Huế. Trên không gian kiến trúc 3 gian hai chái, trước Phật điện, phía sau là hậu tổ, sự phân bố thiết trí tượng thờ cũng được bố trí phù hợp, tạo nên một sự thuần nhất nhưng đầy tính linh hoạt bên trong. Tại Phật điện, gian giữa chính điện thờ Tam Thế Phật trên cao, ở dưới phía trước thờ Phật Thích Ca. Hai căn hai bên thờ Quan Âm và Địa Tạng và hai dãy tòng tự thờ Thập Bát la hán bằng tranh vẽ. Phía trước tiền đường thờ Long thiên Hộ pháp.

Sau Hậu tổ là nơi thờ chư tổ khai sơn, trùng hưng, trùng kiến chùa qua các thời đại. Gian chính giữa thờ long vị ngài Tánh Thiên – Nhất Định, tổ khai sơn chùa Từ Hiếu và hai gian hai bên thờ long vị và các vị tổ kế thế trú trì qua các đời. Riêng nhà Hậu – đối diện với Hậu tổ, là nơi thờ Quan Thánh chính giữa và hai bên tả hữu thờ chư vị hữu công đối với chùa

Ngoài chuông, tượng đồng được đúc dưới thời Tự Đức, thì mộc bản Phật giáo tàng lưu tại chùa Từ Hiếu là một trong những tài liệu quý giá, là nguồn sử liệu, văn hóa quan trọng để tìm hiểu về lịch sử của một ngôi danh lam trong nhiều giai đoạn đã qua. Hiện tại, chùa còn lưu trữ 163 tấm ván khắc với 280 mặt khắc, gồm 1 bộ kinh khắc vào Tự Đức năm thứ 3: Cao vương Quán Âm kinh; 3 bộ kinh được khắc dưới thời vua Thành Thái: Đại thừa vô lượng nghĩa kinh (Thành Thái năm thứ 8), Thiền môn nhật tụng, Phật thuyết báo phụ mẫu ân trọng kinh (Thánh Thái năm thứ 10); 1 bộ khắc vào năm Khải Định thứ 10: Pháp bảo đàn kinh và bộ Niệm Phật vãng sanh nghi được khắc vào năm Duy Tân thứ 5. Ngoài ra còn có nhiều Phái quy y, Điệp thế độ, chú, triện,… và tranh khắc hiện còn lưu trữ, bảo quản tại chùa.

chua tu hieu khamphadisan 1

Văn bia

Chùa hiện có 8 bia với nhiều kiểu dạng khác nhau, ghi lại hành trạng lẫn công lao của các vị khai sơn đến các vị đệ tử kế thế trú trì của chùa:

– Bia An Dương am Nhất Định hòa thượng hành thực bi ký do toàn thể môn nhân ghi lại tiểu sử và hành trạng về ngài khai sơn của Từ Hiếu. Bia được dựng vào ngày tốt tháng 7 năm Tự Đức nguyên niên (1848).

– Bia “Sắc tứ Từ Hiếu tự bi ký” do Thượng thư Nguyễn Đăng Giai soạn, kể về việc An Dưỡng am được cải đổi, xây dựng lớn thành tòng lâm, và được vua ban biển “Sắc tứ Từ Hiếu tự”. Bia dựng vào năm Kỷ Dậu, Tự Đức năm thứ hai (1849).

– Bia “Cung Giám viện Thái giám đẳng cẩn tục bi chú” dựng vào tháng trọng xuân năm Ất Dậu (1885).

– Bia “Từ Hiếu tự Diệu Giác hòa thượng bi ký” do Quản vụ thái giám Hồ Xuyên và Điền sự thái giám Nguyễn Xuân Phương cúng thạch bi, dựng vào ngày 18/4/Thành Thái thứ 7 (1895). Nội dung văn bia kể tiểu sử và hành trạng của ngài Đỗ Lương Duyên.

– Bia “Bồ Đề tháp bi ký” được tạo lập vào năm Thành Thái thứ 8 cùng năm với việc xây dựng tháp Bồ Đề. Nội dung bia nói về ý nghĩa việc xây tháp, công năng của tháp Bồ đề.

– Bia “Trùng tu Từ Hiếu tự bi ký” dựng vào tháng Giêng năm Thành Thái thứ 11 (Kỷ Hợi – 1899). Phía trước bia nói về việc trùng tu chùa và phía sau ghi phương danh người hiến cúng tịnh tài.

– Bia “Từ Hiếu tự Cương Kỷ hòa thượng tháp bi ký” do môn đồ hiếu quyến đệ tử dựng bia vào năm Thánh Thái thứ 11 (1899), ghi tiểu sử và hành trạng, công đức của Ngài.

– Bia “Thiên Hưng tự giáo thọ hòa thượng bi minh” dựng vào năm Bảo Đại thứ 2 (1927), kể về tiểu sử, hành trạng và công đức trùng hưng chùa Thiên Hưng.

Tháp mộ

Có thể thấy, đối với mỗi con người theo đạo Phật thì “sinh ký tử quy” hay “Tứ đại giai không” đều được thể hiện một cách đặc trưng, nhất là các vị cao tăng đắc đạo khi lần về giải thoát, xả bỏ báo thân tục phàm. Trong không gian đó, tháp mộ đã minh chứng những triết lý sâu sắc, đượm tính nhân văn của Phật giáo lẫn nét độc đáo trong cách tiếp biến kiến trúc và mỹ thuật của người Việt. Khu tháp mộ chùa Từ Hiếu cũng không là ngoại lệ và đó cũng là bức tranh lịch đại của một quá trình hưng khởi của một ngôi chùa từ khi hình thành đến hôm nay.

Theo Phật học từ điển của Đoàn Trung Còn thì tháp (stupa), pagoda, tháp bà, đâu bà, du bà, tụy đồ ba, tụy đô bà, phù đồ… đều là những tên gọi theo Phạn ngữ thường đọc là “tháp”. Ấy là những tòa kiến trúc cao, nhiều tầng, dưới lớn trên nhỏ, để thờ xá-lị (tro tàn) của chư Phật hoặc của các bậc thành đạo như Bồ-tát, Duyên-giác, A-la-hán; hoặc để táng di cốt của các bậc tôn túc từng hành đạo trong các ngôi chùa. Có cảnh tháp cất riêng một mình, song phần nhiều cốt trong vườn nhà chùa.(7)

chua tu hieu khamphadisan 3

Còn theo Nguyễn Tường Bách thì tháp trước hết là nơi chứa đựng Xá-lị (s:sarira) các vị Phật hoặc các bậc Thánh. Tháp cũng được xây dựng tại các thánh tích quan trọng, kỷ niệm cuộc đời của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni (Lâm-tì-ni, Giác Thành, Câu-thi-na, Vương Xá) (…). Tháp không nhất thiết là nơi chứa đựng Xá-lị mà còn có thể là nơi chứa đựng kinh điển, tranh tượng. Tháp cũng là một trong những đối tượng thiền quán, thường có nhiều ý nghĩa tượng trưng. Các bậc thang lên tháp đôi lúc biểu hiện cho các khái niệm Đại thừa, như bốn bậc là từ, bi, hỷ, xả hay mười bậc là Thập địa.(8)

Trên thực tế, tháp có nhiều chức năng và công dụng khác nhau nhưng chức năng sơ khai ban đầu của nó là an trí Xá lợi hay nhục thân của Đức Phật của Bồ-tát và dần đến là nơi an táng của những vị cao tăng khi đến các vùng đất khác. Tuy nhiên ở đây, toàn bộ những ngôi tháp mộ chùa Từ hiếu là những ngôi tháp an táng các bậc trú trì, các bậc cao tăng chùa Từ Hiếu chiếm phần chủ đạo và bên cạnh đó là những ngôi mộ của những quan lại, thái giám trong Cung Giám Viện lẫn các tín đồ Phật tử có công lớn đối với chùa.

Duy nhất ở Từ Hiếu chỉ có ngôi tháp Bồ Đề được Hòa thượng Cương Kỷ cho xây dựng tháp ở đồi thông phía trước cổng chùa vào năm Thành Thái thứ 8 (1896 – Giáp Ngọ) để làm nơi tàng trữ kinh sách và tượng Phật đã hư bởi kinh, tượng không được phá và đốt chỉ để vậy cho thời gian dần tự hoại nát. Và cho đến nay, chức năng này vẫn còn được duy trì, trở thành một thói quen của tín đồ, Phật tử khi có hữu sự.

Còn lại đều là tháp của các vị trú trì các đời như:

– “Diệu Quang Tháp” – được xây dựng vào năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), cao 7 tầng làm nơi để trà tàng, lưu tích ngài Tánh Thiên Nhất Định, vị khai sơn tổ đình chùa Từ Hiếu. Xung quanh tháp có xây thành, trước có nhà bia, cột trụ. Mặt bia chính tháp khắc “Giác Hoàng Tăng cang, Lâm Tế chánh tông, húy Tánh Thiên Nhất Định Hòa thượng chi tháp”.

– Tháp mộ ngài Hải Thiệu – Cương Kỷ, nằm cạnh tháp mộ ngài Nhất Định, được xây dựng vào năm Thành Thái thứ 10 (1898), cao 7 tầng, xung quanh có thành bao bọc; trước tháp có 4 trụ biểu và nhà bia. Mặt sau bia ghi 15 lời nguyện của ngài phát nguyện vào năm Thành Thái thứ 2 (1890). Trên bia tháp ghi: “Sắc tứ Từ Hiếu tự trú trì, Lâm Tế húy Hải Thiệu Yết Ma A Xà Lê Đại lão chi tháp”.

– Tháp mộ ngài Thanh Thái – Huệ Minh, xây ở bên phải chùa, gần tháp ngài Cương Kỷ. Văn bia trên tháp ghi: “Ngự chế Thánh Duyên, Diệu Đế trùng hưng Từ Hiếu tự, Tăng cang húy thượng Thanh hạ Thái, Đàn đầu Hòa thượng chi tháp”.

– Tháp mộ ngài Thanh Quý – Chơn Thiệt, được xây năm 1969 trong khuôn viên chùa. Văn bia ghi “Lâm Tế tứ thập nhất thế, trùng hưng Từ Hiếu tự, Tăng cang húy Thanh Quý hiệu Chơn Thiệt hòa thượng chi tháp”.

Ngoài ra còn một số tháp mộ của những tăng sư sống trong chùa và môn phái khi viên tịch cũng được xây dựng tháp trong khuôn viên chùa. Và bên cạnh hệ thống tháp mộ các vị tổ sư còn có mộ các vị phi tần nhà Nguyễn, khu lăng mộ hình trứng của 24 vị thái giám triều Nguyễn rất đặc trưng… trong tìm hiểu và khám phá về loại hình tháp, lăng mộ ở các chùa Huế.

Kết luận

Chùa Từ Hiếu hình thành dưới thời vua Thiệu Trị với ban đầu chỉ là một thảo am được ngài Nhất Định dựng lên để tu hành và phụng dưỡng mẹ già. Sau khi ngài viên tịch, chùa được đệ tử Cương Kỷ cùng với Cung Giám Viện cải biến trên nền thảo am dựng chùa mới khang trang dưới thời vua Tự Đức nguyên niên và được vua ban biển “Sắc Tứ Từ Hiếu Tự”. Kể từ đó về sau, chùa ngày càng phát triển, phong môn sáng lạn, trở thành chốn tổ cho thiền môn dòng thiền Lâm Tế Liễu Quán xứ Huế.

Kiến trúc, vườn chùa mang nét độc đáo riêng biệt, gắn liền với triết lý “thiên nhân tương dữ” hài hòa, thơ mộng tạo nên một không gian gắn kết giữa đạo và đời qua tiếng chuông trầm lắng, tiếng kinh thanh thoát vọng vang giữa núi đồi. Xen lẫn với những công trình kiến trúc còn có hệ thống tháp mộ, bia ký vẫn còn được giữ nguyên vẹn và không kém phần đặc trưng trong tạo hình và thẩm mỹ của giai đoạn mỹ thuật thời Nguyễn.

Thiết trí thờ tự từ Phật điện đến các không gian khác đều mang một tính trật tự và đối xứng chuẩn theo từ trên xuống dưới, ra hai bên; các án tả hữu và tòng tự cũng được bố trí đơn giản. Hệ thống tượng thờ ở chùa gắn liền với những pho tượng được tạo lập từ khi trùng tu xây dựng chùa cho đến sau này. Đặc biệt chùa còn có thờ bộ tranh A La Hán được vẽ bằng tay rất độc đáo và trân quý.

Có thể thấy, di sản văn hóa Phật giáo Huế là một di sản vô cùng to lớn, phong phú, đặc sắc và chứa đựng các giá trị văn hóa đặc trưng trên dãy đất miền Trung. Chùa Từ Hiếu với vị trí quan trọng trong lịch sử cho đến hôm nay, đã trở thành một điểm đến trong chuỗi du lịch di sản Phật giáo cùng với hệ thống đền đài, thành quách di sản mỹ thuật cung đình Huế được UNESCO công nhận. Hy vọng trong kế hoạch tái thiết trùng tu chùa Từ Hiếu năm 2019, tinh thần và giá trị kiến trúc nghệ thuật cũng như Phật giáo Huế ở ngôi danh lam nổi tiếng này vẫn được bảo tồn hợp lý.

Tài liệu tham khảo

  • Đặng Vinh Dự (2015), “Từ tháp Phật đến tháp Mộ – Một biểu tượng của hành trình giải thoát”, http://www.phatgiaohue.vn
  • Đoàn Trung Còn (1967), Phật học từ điển [tập 1], Phật học Tòng thơ xuất bản, Sài Gòn.
  • Giới Hương [phỏng dịch] (1994), Văn bia chùa Huế (tài liệu lưu hành nội bộ).
  • Hà Xuân Liêm (2007), Những ngôi chùa tháp Phật giáo ở Huế, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
  • Lê Nguyễn Lưu [sưu tầm, dịch giải và chú thích] (2005), “Tuyển dịch văn bia chùa Huế”, Nghiên cứu phát triển, số: 1 – 2 (49 – 50).
  • Lê Thọ Quốc (2009), “Quá trình thiết trí phối thờ một số vị thần ở các chùa Huế hiện nay” trong Hội thảo khoa học: Nhận thức về miền Trung Việt Nam – Hành trình 10 năm nghiên cứu, Huế: 7 – 2009.
  • Lê Thọ Quốc (2009), “Thiết trí hệ thống tượng thờ ở các chùa Huế qua phong trào chấn hưng Phật giáo”, Luận văn Thạc sĩ Dân tộc học, Khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học Huế, Đại học Huế.
  • Lê Thọ Quốc (viết chung) (2018), “Chùa Huế trong nguồn mạch đời sống văn hóa tâm linh xứ Huế”, Liễu Quán, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế, Nxb. Thuận Hóa, Số 15 – 8/2018.
  • Nguyễn Đăng Duy (1999), Phật giáo với văn hóa Việt Nam, Nxb Hà Nội, Hà Nội.
  • Nguyễn Hiền Đức (1995), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Nguyễn Hữu Thông (1992), Mỹ thuật thời Nguyễn trên đất Huế, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
  • Nguyễn Hữu Thông (2001), Mỹ thuật Huế nhìn từ góc độ ý nghĩa và biểu tượng trang trí, Nxb Thuận Hóa, Huế.
  • Nguyễn Hữu Thông [chủ biên] (2009), Nhạc lễ Phật giáo xứ Huế, Nxb Văn Nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận [3 tập], Nxb Văn học, Hà Nội.
  • Nguyễn Thị Minh Xuân, Nguyễn Ngọc Tùng (2018), “Đặc điểm kiến trúc chùa Từ Hiếu”, Liễu Quán, số 15 – 8/2018, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế, Nxb. Thuận Hóa.
  • Thích Hải Ấn, Hà Xuân Liêm (2001), Lịch sử Phật Giáo xứ Huế, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Trần Đại Vinh, Nguyễn Hữu Thông, Lê Văn Sách (1993), Danh Lam xứ Huế, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.

(1) Hòa thượng Tánh Thiên Nhất Định (1784-1847) họ Nguyễn, người làng Trung Kiên, tổng Bích La, huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị, là đệ tử đắc pháp của ngài Đạo Minh Phổ Tịnh trú trì chùa Báo Quốc. Sau khi, bổ sư viên tịch (1816), ngài kế tục trú trì ở Báo Quốc, đến năm 1830 được vua châu phê, ban giới đao độ điệp trú trì Linh Hựu Quán và sung Tăng Cang Giác Hoàng tự (1839). Năm 1843, ngài xin nghỉ việc, đưa mẹ và hai đệ tử về núi Dương Xuân lập An Dưỡng am để tu hành và phụng dưỡng mẹ già. Ngày 7 tháng 10 năm Đinh Mùi (1847), ngài thu thần thị tịch, thọ 64 tuôi đời, có 46 tăng lạp. Ngài thuộc thế thứ dòng Lâm Tế Liễu Quán, đời thứ 5. Tháp được xây tại chùa có tên gọi là Diệu Quang tháp.

(2) Phạm Đăng Nhật Thái (2017). Các đặc trưng của chùa truyền thống với loại hình chữ Khẩu ở thành phố Huế, Đề tài nghiên cứu cấp cơ sở trường Đại học Khoa học, Huế năm 2017.

(3) Hà Xuân Liêm (2007), Những chùa tháp Phật giáo ở Huế, Hà Nội, Nxb. Văn hóa Thông tin, tr. 376.

(4) Hòa thượng Hải Thiệu Cương Kỷ (1810 – 1899), người làng Xuân An, tổng An Đôn, huyện Đăng Xương, phủ Triệu Phong, Quảng Trị. Xuất gia năm 24 tuổi xuất gia, thờ Hòa thượng Tánh Thiên Nhất Định làm thầy và sau đó cùng thầy và sư huynh Hải Thuận – Lương Duyên lên đồi Dương Xuân lập thảo am. Sua khi bổn sư viên tịch, ngài kế thế và cho xây dựng chùa trên thảo am của bổn sư, chú tạo pháp tượng, pháp khí… mở đầu cho sự phát triển về sau.

(5) Nguyễn Hữu Thông, Trần Đại Vinh, Lê Văn Sách (1993). Danh lam xứ Huế. NXB Hội nhà văn.

(6) Hà Xuân Liêm (2007), Những chùa tháp Phật giáo ở Huế, Hà Nội, Nxb. Văn hóa Thông tin, tr. 375.

(7) Đoàn Trung Còn (1997), Phật học từ điển, quyển II, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, tr. 46

(8) Chân Nguyên-Nguyễn Tường Bách (1999), Từ điển Phật học, Nxb Thuận Hóa, tr.2530.

Khám Phá Di Sản

Theo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế

5/5 - (1 bình chọn)